Một lần, trong câu chuyện với anh, Phú Quang(ảnh) nói rằng, Hà Nội là nơi mà mỗi khi cần sự vấn an của tâm hồn thì anh chạy về như một chốn nương thân, dù có lúc thể xác của anh không ở trên mảnh đất ấy, nhưng tâm hồn anh thì gửi trọn cả ở từng góc phố, hàng cây nơi ghi dấu ấn tuổi ấu thơ, nơi anh trưởng thành.
Ở Hà Nội có mẹ, có những mối tình và có cả những khổ đau, mất mát, thăng trầm đầu đời. Tôi có hỏi Phú Quang, nếu được chọn ba người đàn bà trong đời mình, anh sẽ chọn những ai? Phú Quang im lặng một hồi khá lâu như thể cố lục tìm trong trí nhớ, rồi anh bảo: “Ba người thôi thì… ít quá, tôi không biết chọn ai, bỏ ai. Hãy cho tôi chọn ba kiểu đàn bà và những ảnh hưởng của họ trong đời tôi thì chắc chắn sẽ dễ dàng hơn: Mẹ, những người tình và các con gái!”.
Người đầu tiên rõ ràng là mẹ. Phú Quang nhắc lại lời của bài hát phổ thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang mà dường như bao giờ anh cũng nhắc đến vì nhà thơ đã nói hộ lòng nhạc sĩ: “Mẹ là người đàn bà đầu tiên, người đàn bà sau cuối, không bao giờ phản bội…”.
Mẹ là người phụ nữ đầu tiên trong đời đã cho Phú Quang niềm tin và sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khó. Phú Quang bảo rằng, không hiểu sao, hồi đó, mẹ anh lại có thể là một người phụ nữ mạnh mẽ như thế. Trước nỗi đau khổ của con, bà không im lặng mà cũng không nói những lời cưng nựng, bà chỉ đúng cái hay cái dở của việc bại thành mà khuyên con mình hãy tiếp tục đứng dậy. Phú Quang cũng không thể ngờ rằng, cách giáo dục của mẹ anh lại có thể ảnh hưởng đến tính cách và lối sống của anh sau này nhiều đến thế.
Tôi hỏi về những người tình để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời Phú Quang. Vì ai quen biết với Phú Quang cũng biết rằng, đàn bà mê anh thì nhiều vô kể. Người ta mê anh vì thứ nhạc đầy mê dụ, mê anh vì anh khá điển trai và hào hoa, mê anh vì anh ăn nói có duyên và có thể sẻ chia được nhiều câu chuyện trong cuộc sống… Phú Quang cho rằng, mối tình sâu đậm là mối tình đã làm cho mình đau. Bởi thế có lần anh viết: “Chỉ còn hơi ấm mối tình đau” (dù nhiều ca sĩ hát sai thanh “chỉ còn hơi ấm mối tình đầu”).
Chỉ có mối tình đau mới làm người ta nhớ lâu. Và trong đời Phú Quang, có một mối tình đau như thế với một hoa khôi của trường Nguyễn Bá Tòng (TP Hồ Chí Minh). Cô gái đã làm cho anh có một vết thương khó lành dù đến nay đã đi hết quá nửa cuộc đời. Phú Quang kể lại: “Mối tình bắt đầu khi tôi vừa bước chân vào Sài Gòn sau ngày giải phóng. Khi yêu cô, tôi gặp sự phản đối từ gia đình cô ấy, dù mẹ cô là một người miền Bắc di cư vào Nam. Nhưng trước tình yêu đầy mãnh liệt, si mê của chúng tôi, bà không còn ngăn cản nữa, thậm chí sau này, khi gia đình cô sang định cư tại Mỹ, bà còn nói sẽ bảo lãnh cho tôi đi cùng nếu tôi thích.
Nhưng tôi không thể ra đi. Việt Nam mới là mảnh đất để tôi cắm rễ sâu và uống suối nguồn tươi mát của dòng cảm xúc. Tôi nhớ, cách một thời gian trước khi chuyển đi, cô gái dẫn tôi cùng vào nhà thờ và nói, em chỉ có Chúa trời và anh, nếu anh không đi được thì em gửi mình cho Chúa.
Rồi cô đi tu. Ngày cô rời khỏi Việt Nam là ngày tâm hồn tôi trống rỗng. Nỗi mất mát thật khó tả. Cũng thật khó có thể nghĩ đến một lúc nào đó tâm hồn mình lại cô đơn đến vậy, tôi trút hết cả vào âm nhạc. Tôi viết tặng cô 13 ca khúc “13 chuyện bình thường”. Trong đó, chuyện bình thường thứ 3 chính là ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu” (phổ thơ của Giáng Vân). Thời điểm ấy, tôi nhận được bức thư của cô ấy nói về chuyện cô ấy rất ân hận vì đã rời xa tôi, cô ấy cảm thấy rất có lỗi… Tôi cũng đã viết lại một bức thư và đại ý nói rằng, giữa câu chuyện của chúng tôi, không ai có lỗi cả, khuyên cô đừng day dứt mà làm gì. Cũng như lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu. Đó chỉ là chuyện của số phận.
Sau này, gặp lại người em gái của cô ấy, tôi biết rằng, khi nhận được bức thư của tôi, cô ấy đã đi dưới mưa cả một đêm ròng và về ốm mất một tháng. Cô ấy cứ kể đi kể lại lần đi chơi cùng tôi về gặp mưa, chúng tôi trú dưới hiên nhà thờ và tôi lấy áo che cho cô, cô bảo rằng, bây giờ mưa gió thế này em nấp vào vòng tay anh nhưng biết ngày mai trong mưa gió cuộc đời em có được nấp vào vòng tay anh.
13 năm kể từ ngày xa nhau, cô lấy chồng. Cô đã xin phép chồng được đeo trên tay hai chiếc nhẫn, một chiếc là nhẫn cưới của cô và một chiếc nhẫn là của tôi tặng cô ngày chia tay. Tôi đã viết chuyện bình thường cuối cùng để khép lại một đời yêu xa xót: “Có những khi về qua phố/ Phố quá đông không thấy mặt người/ Chợt gặp mình cười như đá ngây ngô/ Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương/ Có những khi về trong gió/ Gió xót xa thương mối tình hờ/ Có những khi chiều nghe nhớ, nỗi nhớ xưa nay vẫn nhạt mờ/ Chợt gặp niềm đau vẫn như đợi chờ…”. Tôi cho rằng, ai cũng có thể có một cuộc tình để nhớ. Và bản thân tôi, sau rất nhiều cuộc tình, sau rất nhiều đổ vỡ, thì tôi cho rằng, mối tình với cô hoa khôi trường Nguyễn Bá Tòng ấy là một mối tình đẹp khiến tôi nhớ lâu và viết được nhiều ca khúc cho sự đau khổ, chia ly ấy”.
Bây giờ thì Phú Quang đã có một tổ ấm yên ổn sau rất nhiều bất an của tình yêu, hạnh phúc, chia tay. Người vợ Anh Thư đã vượt ra khỏi những ranh giới của tuổi tác, những định kiến của thiên hạ về mối tình của nghệ sĩ, chị chịu đựng được những cái hay cái dở của Phú Quang để đến với anh. Ngược lại, Phú Quang cũng là một điểm tựa vững chắc để chị dựa vào và chia sẻ những ngọt bùi, bởi vì, số phận chị cũng đã một lần tan vỡ.
Tìm được nhau đã khó rồi, nhưng giữ được nhau mới thực sự đòi hỏi một tấm lòng chân tình cho nhau một nghệ thuật sống vì nhau, lo cho nhau. Điều Phú Quang mừng nhất là khi kết hôn với Anh Thư, anh đã có thêm một cô con gái thứ 3 sau hai người con gái ruột với hai người vợ trước của mình. Trong một bài văn mới nhất ở trường, cô giáo rất xúc động báo với gia đình rằng, cô bé đã viết về mẹ Anh Thư của mình, trong đó có đoạn cô bé chia sẻ tâm trạng buồn bã khi bố mẹ chia tay nhau và sống trong sự thiếu thốn, mất mát của tình cảm người cha. Khi mẹ kết hôn cùng nhạc sĩ Phú Quang, thì cô bé đã có thêm một người cha thực sự. Phú Quang cho rằng, 10 tuổi, hẳn cô bé không thể “làm văn”, càng không biết nói dối, cái quan trọng là anh đã đối xử với cô bé như con mình. Trẻ con chẳng bao giờ có lỗi trong những câu chuyện của người lớn cả.
Nếu hỏi nhạc sĩ Phú Quang, giờ đây điều ham mê nhất của anh là gì, ắt hẳn anh khó trả lời vì thực tế thì ngày nào Phú Quang cũng sống đầy gấp gáp, đầy bận rộn. Vẫn là những dự định âm nhạc, ra album và cố gắng để làm nhiều bài mới (dù anh hưởng lộc từ những bài hát cũ cũng đã đủ sống rồi). Tuy thế, song nhìn cách mà Phú Quang làm việc, ký tá, đóng dấu các hợp đồng biểu diễn, thu âm, ra album, bán lịch nhạc thì đủ thấy anh đang sống gấp gáp từng ngày, tận dụng từng ngày để tên tuổi mình không trở nên cũ đi với số đông khán giả. Có thể nói, ở cùng lứa với những người thuộc thế hệ mình, Phú Quang là người lắm “trò” nhất trong cuộc yêu, cuộc chơi âm nhạc. Anh cũng là một trong những nhạc sĩ trường vốn nhất vì mỗi năm đều tự bỏ tiền ra và thu được một khoản lãi không nhỏ từ những đêm nhạc của riêng mình. Dù trong ngoài giới có người cho rằng, nhạc của anh chỉ là dòng nhạc của số đông, sến… nhưng bỏ ngoài tai mọi thứ, Phú Quang vẫn tiếp tục sống, hưởng lợi từ âm nhạc giá cao, lúc nào cũng hết sạch vé trước mỗi đêm diễn.
Dù là thế nào đi chăng nữa, tôi cho rằng, nhạc của Phú Quang đã neo vào được lòng người là vì anh đã sống cho cả hai giới: Nỗi lòng của những người đàn ông và sự nặng trĩu của tâm trạng những người đàn bà đã đến rồi đi trong cuộc đời nhạc sĩ…
Trần Hoàng Thiên Kim