Đó là đoạn trích từ bìa cuối của cuốn sách bằng tiếng Italy “Il Granchio di sabbia e la pietra colpevole. Racconti fantastici dal Vietnam - Con dã tràng và hòn đá có tội. Những câu chuyện cổ tích kỳ diệu của Việt Nam”. Cuốn sách vừa mới được nhà xuất bản Anteo Edizioni giới thiệu trong tháng 11.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, cuốn sách bao gồm các câu chuyện cổ tích Việt Nam, do hai tác giả Sandra Scagliotti và Trần Doãn Trang, thuộc Trung tâm khoa học - văn hóa Ý - Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm và dịch sang tiếng Italy. Cuốn sách là một trong số ít tác phẩm văn học dân gian Việt Nam được chuyển thể trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Italy.
Là dịch giả chính của cuốn sách, ông Trần Doãn Trang cho biết quá trình biên dịch gặp rất nhiều khó khăn do các câu chuyện cổ tích của Việt Nam có nhiều thuật ngữ khó và hiếm gặp. “Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng dịch sát bản gốc nhất và phải nhờ tới sự hỗ trợ của những người thông thạo cả hai nền văn hóa Việt Nam và Italy để có thể chuyển thể trọn vẹn những nét tinh tế của ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ Italy”, ông Trần Doãn Trang chia sẻ.
Là một nhà Việt Nam học và đã dành phần lớn thời gian từ trẻ để nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có văn hóa dân gian Việt Nam, bà Sandra đã lập ra Viện Việt Nam học ở thành phố Turin, sau này là Trung tâm khoa học - văn hóa Italy - Việt Nam. Bà đã đúc kết niềm đam mê tìm hiểu về đất nước Việt Nam trong nhiều tác phẩm do chính mình sáng tác hoặc chủ biên về lịch sử và xã hội Việt Nam như “Il banco di sabbia dorata. Il Viet Nam e gli arcipelaghi del Mare orientale” (Bãi cát vàng. Việt Nam và các quần đảo trên Biển Đông - Epics, Torino 2017); “Il drago e la fata. Politiche e poetiche nel Viet Nam moderno e contemporaneo” (Con rồng cháu tiên. Thi pháp Việt Nam đương đại - Stampatori universitaria, Torino 2013 ), “Il Corvo e il Pavone. Racconti fantastici dal Vietnam” (Con quạ và con công. Những câu chuyện cổ tích Việt Nam - 2019).
Đánh giá về văn học dân gian Việt Nam, bà Sandra cho rằng Việt Nam có rất nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết kỳ diệu. Nhiều câu chuyện được ghi chép trong các sách cổ như "Việt điện u linh tập" (1323), "Lĩnh Nam chích quái" (1492-1493), "Truyền kỳ mạn lục” (đầu thế kỷ 16)... Nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử, kinh điển Phật giáo, hoặc phác họa lịch sử của những nơi thờ tự. Qua những câu chuyện cổ tích Việt Nam, chúng ta tìm được câu trả lời đầy sức tưởng tượng cho những câu hỏi đặc biệt như tại sao dã tràng lại se cát trên biển, tại sao muỗi lại chích mồi, hay tại sao con trâu không nói, con quạ có lông đen và con công có bộ lông rực rỡ... Những câu chuyện cổ tích của Việt Nam cũng giải thích nguồn gốc một số danh ngôn nói về các giá trị, truyền thống, địa điểm hay sự kiện nổi tiếng mà ai ai cũng đều biết đến.
“Con dã tràng và hòn đá có tội. Những câu chuyện cổ tích kỳ diệu của Việt Nam” là cuốn sách dài 112 trang, bao gồm 21 câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam, trong đó có các câu chuyện phổ biến như: Sự tích con dã tràng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Sự tích động Từ Thức, Sự tích con muỗi ... Thông qua các câu chuyện, cuốn sách đã mang đến cho độc giả Italy cái nhìn về quan niệm nhân quả trong tiềm thức văn hóa dân gian Việt Nam. “Nếu con người cư xử bất công và vô ơn sẽ bị lên án, ngược lại nếu đối xử với người khác bằng sự nhân hậu, hiếu thảo và độ lượng sẽ được đền đáp”, đoạn trích từ cuốn sách viết.