Những hòn cuội nhặt dọc đường

Nhà xuất bản Văn học và Liên Việt


Họa sỹ Lê Trí Dũng là kẻ đa tài chăm chỉ và cần mẫn. Anh ham mê và cùng một lúc làm nhiều thứ, nhưng có hai việc chính của anh là vẽ và viết. Anh vẽ tranh sơn mài, sơn dầu. Hội họa đem lại cho anh không ít giải thưởng: “Hai Bà Trưng” (sơn mài) - HCB triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990, “Biên ải”- giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2000, “Phía sau trận đánh” (sơn dầu) - Giải C triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2009,…



Anh được biết đến nhiều hơn nữa khi đã vẽ cả ngàn tranh ngựa, mà đa phần là những chú ngựa chỉ hai màu đen trắng, quay lưng lại người xem, bờm xù, dáng thản nhiên, ngạo nghễ.


Lê Trí Dũng vẽ minh họa cho nhiều báo. Những ai biết anh, nhất là trong làng báo, hay bắt gặp hình ảnh một người lúc nào cũng tất bật, có khi đứng vẽ minh họa ngay dưới cổng tòa soạn, một loáng rồi đi. Hồi báo Thể thao&Văn hóa còn ở 33 Lê Thánh Tông, tôi vẫn bắt gặp anh đứng vẽ như thế dưới cổng hoặc ngồi quán nước chè cạnh cơ quan. Anh bảo, chỉ mười lăm, hai mươi phút là anh vẽ xong. Ai đi qua, cứ thấy người nào tóc để dài bồng bềnh trước gió, đeo cặp kính trắng, hí hoáy vẽ trên khuôn giấy kê trên yên xe máy hoặc trên đùi, ắt đó là anh.


Nhưng anh còn viết và viết rất nhiều (tản văn) nữa. Trước tập tản văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường” (2013), anh đã từng ra mắt bạn đọc tản văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân” (Nxb Mỹ thuật, 2006) và “Những hòn cuội nhặt dọc đường” (Nxb Tri thức, 2008), mà mỗi lần ra sách, người đọc lại nhận ra anh viết càng ngày càng sung sức hơn, mỗi cuốn sách vì thế cũng dày thêm lên.


Ở cuốn sách lần này, ngoài những tản văn của anh viết, chia thành các phần như: Muôn mặt hội họa, Sắc màu cuộc sống, Vài tích cổ văn, thì anh dành riêng một phần đăng những bài viết của bạn bè về những cuốn sách đã ra trước đó của mình với tên gọi Hòn cuội và những người bạn. Và như nhà văn Sương Nguyệt Minh viết trong lời tựa cho cuốn sách của anh thì, đi suốt ba tập tản văn, nhận ra văn Lê Trí Dũng có khí phách mạnh, thấp thoáng xa gần ẩn dấu thần khí. Vẽ là người, văn cũng là người, cái này giời cho chứ không phải do rèn luyện. Mà khí với tình bao giờ cũng đi cùng nhau, trộn lẫn hài hòa với nhau. Người văn yếu khí thì văn nhạt, tình cũng nhạt, người văn khí phách thì văn-tình mặn mòi, mạnh mẽ.


Vì thế “Tản văn của ông nặng về hoài niệm, tâm trạng dằn vặt, thao thức, ông hay triết luận bằng những câu văn hình ảnh, những mạch cảm xúc chân thật, có sức gợi sâu và xa”. Và cũng vì thế mà theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, trong các tập sách của Lê Trí Dũng “có những hòn cuội ký ức, mỗi hòn cuội một kỷ niệm, ông đã nhặt những hòn cuội cô đặc quá khứ ấy truyền cho chúng một cảm xúc, một câu chuyện cảm động, một triết lý nhân sinh… để rồi bày chúng trước mắt bạn đọc một cái nhìn khác của ông về chiến tranh, về thế thái nhân tình”.


 X.P

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN