Trong những thập niên 60-70 của thế kỷ 20, cả nước Mỹ rung chuyển trong làn sóng biểu tình của những người dân tiến bộ Mỹ phản đối chiến tranh, đòi lập lại hòa bình tại Việt Nam. Cùng với phong trào phản chiến dâng cao, nhiều nghệ sĩ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, điển hình là giới hoạt động âm nhạc, đã vận dụng tài năng của mình để tạo nên một thứ “vũ khí mềm” chống lại cuộc chiến phi nghĩa, thu hút quần chúng cùng tham gia, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử âm nhạc nước Mỹ - cuộc đổ bộ của những ca khúc chống chiến tranh Việt Nam.
Nghệ sĩ nhạc folk nổi tiếng Bob Dylan (sau này đoạt giải Nobel Văn học năm 2016) chính là người đã khởi động dòng nhạc phản chiến tại Mỹ. Năm 1962, ông viết và trình bày ca khúc “Blowin' in the wind” (tạm dịch: Gió thổi bay đi) với những ca từ đầy tâm trạng: “Bao nhiêu chặng đường ta phải bước đi, để khi nằm xuống ta làm người thật sự? Bồ câu phải sải cánh qua bao nhiêu đại đương, mới đến một ngày ngủ trên cát bình yên? Còn bao nhiêu làn đạn phải bay rồi mới đến ngày nằm im trong họng súng?... Phải mất bao nhiêu mạng người, để chúng ta vỡ lẽ ra rằng đã có quá nhiều người chết? Câu trả lời... gió đã thổi bay đi...”.
Bài hát đã thức tỉnh lương tri người Mỹ về cuộc chiến tàn khốc và phi nghĩa tại Việt Nam, theo chân hàng vạn người Mỹ tiến bộ xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Ca khúc này được giới trẻ Mỹ khi ấy rất ngưỡng mộ, sau đó được rất nhiều ca sĩ và nhóm nhạc hát lại với hơn 400 phiên bản khác nhau.
Năm 1963, Bob Dylan tiếp tục thu âm ca khúc gây tiếng vang “The Times They Are A-Changin”. Bài hát có giai điệu mộc mạc trên nền nhạc guitar acoustic và tiếng kèn harmonica, giống như một lời tiên đoán về sự khốc liệt và mất mát mà người Mỹ sẽ phải gánh chịu do cuộc chiến tranh Việt Nam: “Cuộc chiến ngoài kia thật dữ dội. Nó sẽ khiến những cánh cửa và tường nhà bạn rung lên bần bật…”. Ẩn sau những lời ca đó là sự rối ren, thất vọng và giận dữ trước cảnh những người thanh niên trẻ tuổi trên khắp nước Mỹ đã phải rời xa gia đình để tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác ở Mỹ đã tiếp bước Bob Dylan để hòa chung tiếng nói đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào dùng âm nhạc để phản đối chiến tranh cũng lan rộng tại Mỹ.
Ngày 25/3/1966, hai nhóm rock nổi tiếng Jefferson Airplane và Mystery Trend ra mắt một áp phích phản chiến tại một vũ hội từ thiện của trường Đại học California ở Berkeley. Tấm áp phích thể hiện hình ảnh những người lính đội mũ sắt, cầm súng máy đang cố thoát thân trong trận oanh tạc của các máy bay ném bom. Ở phía trên cùng, hai dòng chữ “Việt Nam” và “Hòa bình” được viết đậm nét. Với 3 tông màu (đỏ, trắng và đen) trong áp phích, sự tàn bạo của chiến tranh hiện rõ qua màu máu, màu tang thương, màu chết chóc.
Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật Woodstock tổ chức vào tháng 8/1969 được coi là sự kiện âm nhạc có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay trong việc truyền bá thông điệp về hòa bình. Sự kiện “ba ngày dành cho hòa bình và âm nhạc” này đã thu hút một lượng khán giả khổng lồ, chiếm trọn con tim và lý trí của công chúng, thôi thúc mạnh mẽ tư duy phản đối cuộc chiến tranh phi lý tại Việt Nam, đặc biệt khi họ lắng nghe những thanh âm ghê rợn của mưa bom, bão đạn và sự chết chóc lẫn trong nền nhạc quốc ca Mỹ “Star Spangled Banner” qua màn trình diễn guitar điện của Jimmy Hendrix.
Nói đến ca khúc phản chiến thời kỳ đó phải kể tới John Lennon - cựu thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. “Give Peace a Chance”(Hãy cho hòa bình một cơ hội), ca khúc nổi tiếng thu âm năm 1969 khiến mọi người phải suy ngẫm khi lắng nghe thông điệp kêu gọi chấm dứt chiến tranh: “Hãy điều chỉnh, hãy hòa hợp, suy nghĩ đi, hãy cho hòa bình một cơ hội”. Được thể hiện trên nền guitar của Lennon và tiếng trống tambourine, cùng những tiếng vỗ tay theo nhịp của những người hoạt động vì hòa bình và báo giới có mặt tại khách sạn Montreal (nơi ghi hình video này), đây có lẽ là ca khúc phản chiến có ca từ đơn giản nhất, nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc nhất vào cuối những năm 1960, khi tất cả mọi người đều hòa giọng hát thể hiện chung ý nguyện mong muốn hòa bình được lập lại tại Việt Nam.
Vài năm sau, bài hát Happy Christmas (War Is Over) của John Lennon và vợ cũng được viết để phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam, sau đó trở thành bài hát phản đối chiến tranh trên toàn thế giới.
Một ca khúc phản chiến khác cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn này là “War (What Is It Good For?)” (Chiến tranh thì tốt cho điều gì?) của ca sĩ nhạc soul Edwin Starr. “War (What Is It Good For?)” đã đưa người nghe đến với sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh mà nhà cầm quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam bằng những giai điệu đơn giản dễ nhớ nhưng cũng rất đanh thép. Ra đời năm 1970, đây có lẽ là bài hát phản đối chiến tranh một cách rõ ràng và trực diện nhất từng được thu âm. Thông điệp bài hát này gửi gắm đã nhận được sự đồng cảm lớn: “Chiến tranh ư? Liệu điều đó có tốt không? Hiển nhiên nó chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài việc gây tổn thương. Chiến tranh là sự tàn phá sinh mạng của những người vô tội, là nước mắt của người mẹ khi nhìn con mình phải ra chiến trường để rồi bỏ mạng. Cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá, không thể cứ dành cho những cuộc chiến mỗi ngày. Chiến tranh không thể mang lại sự sống mà chỉ cướp đi sinh mệnh”.
Ngoài những tác phẩm tiêu biểu nêu trên, dòng nhạc phản chiến thời kỳ đó còn ghi dấu ấn của “I Ain’t Marching Anymore”, “I-Feel-Like-I’m-Fixing-To-Die”, “For What It’s Worth”, “Fortunate Son” hay “The Unknown Soldier”… với sự vào cuộc của hàng loạt nghệ sĩ, ban nhạc đình đám như Phil Ochs, Joe Mc Donald, Buffalo Springfield, Creedence Clearwater Revival hay The Doors…
Năm 2006, hai nhà nghiên cứu của Viện Đại học Wisconsin - Madison là Doug Bradley và Craig Werner (một cựu binh ở Việt Nam) đã công bố tài liệu “We gotta get out of this place: Music, memory and the Vietnam War” (tạm dịch: Chúng ta phải thoát khỏi chốn này: Âm nhạc, ký ức và chiến tranh Việt Nam) cho thấy những ca khúc phản chiến là dòng nhạc các binh sĩ Mỹ thích nghe nhất trong thời gian tham chiến tại Việt Nam. Những bài hát phản chiến chiếm số đông trong bảng xếp hạng Danh sách 100 ca khúc ăn khách nhất của tạp chí Billboard hai năm 1967 và 19.
Trong cuốn “Songs of the Vietnam Conflict” (Những ca khúc trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam), tác giả James Perone đã chỉ ra mối liên hệ rằng: âm nhạc vừa phản ánh xã hội, đồng thời lại có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ông dẫn kết quả một cuộc thăm dò do Gallup Polls thực hiện, cho biết tỷ lệ người Mỹ phản đối nhà cầm quyền gây chiến tranh ở Việt Nam đã tăng từ mức 26% vào tháng 2/19, lên 42% chỉ một tháng sau đó. Trong khi đó, số liệu do công ty luật Skolnick công bố năm 1969 cho thấy số người Mỹ tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tăng gấp đôi, từ 150.000 người mùa Xuân năm 1967, lên 300.000 người trong mùa Xuân năm 19.
Dòng nhạc phản chiến thời kỳ đó, dù không thể trực tiếp giúp chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam ngay lập tức, nhưng đã thể hiện rõ tinh thần của người dân Mỹ: đoàn kết với các dân tộc khác trên thế giới và yêu chuộng hòa bình. Cùng với nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, phong trào phản chiến tại Mỹ tạo ra sức ép đối với nhà cầm quyền nước này.
Những khúc ca phản chiến không chỉ được cất lên một lần, hay trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, mà còn vang lên ở bất cứ nơi nào đang có xung đột, thể hiện sự đồng lòng phản đối những cuộc chiến vô nghĩa và phi lý. Nhiều bài hát trong số đó đã được tôn vinh trong Sảnh Danh vọng của Grammy, hay góp mặt trong danh sách 500 bài hát vĩ đại nhất của Tạp chí Rolling Stone.
Cho tới hôm nay, những giai điệu phản chiến ấy vẫn còn được người dân toàn cầu ngân nga, để cùng hướng tới một thế giới hòa hợp, nhân loại được sống trong bình yên, hạnh phúc, như đại ý trong “Imagine” - bài tụng ca bất hủ về hòa bình mà John Lennon đã sáng tác năm 1971: “Thử tưởng tượng mà xem, tất cả mọi người đều sống trong hòa bình, không có sự tư hữu, không cần phải tham lam hay thèm khát điều gì. Thử tưởng tượng xem, tất cả mọi người cùng sẻ chia thế giới trong tình bằng hữu. Bạn có thể nghĩ rằng tôi là người mơ mộng. Nhưng nào chỉ có riêng mình tôi như vậy. Tôi hy vọng ngày nào đó bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi. Cứ thử đi, bạn sẽ thấy điều ấy dễ thôi mà!”.