Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các giá trị của hệ thống tháp Chăm, các tỉnh Nam Trung bộ đã đẩy mạnh xây dựng các di tích này trở thành một điểm đến mang tính tâm linh, nơi cảm nhận về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và những bản sắc văn hóa Chăm được tích lũy cùng năm tháng. Các tháp Chăm đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc ở mỗi địa phương. Điều này góp phần tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa cho ngành du lịch khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian tới.
Điểm đến níu chân du khách
Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được biết đến là thành phố du lịch thuộc hàng đầu tại Việt Nam. Đến đây, du khách không chỉ hòa mình vào với biển mà còn được “bước chân” vào không gian văn hóa Chăm-pa tại Tháp Bà Ponagar. Hằng năm, lễ hội Tháp Bà Ponagar (từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương và khoảng 100 đoàn dân gian dân vũ tín ngưỡng Thiên Y A Na Thánh Mẫu về dâng hương mỗi năm.
Anh Trần Minh Triết, hướng dẫn viên du lịch tại Nha Trang cũng là người dân Khánh Hòa cho biết: Tháp Bà Ponagar được xem là điểm kết nối tour từ nghỉ dưỡng biển sang tham quan các điểm đến lịch sử - văn hóa khi đến Nha Trang. Tháp nằm giữa trung tâm thành phố biển Nha Trang nên du khách có nhiều lựa chọn phương tiện như taxi, thuê xe máy để đến với địa điểm này. Tháp Bà Ponagar hiện là quần thể kiến trúc Chăm-pa độc đáo nhất Việt Nam hiện nay bởi có Mandapa (khu tiền đình).
Khi tham quan, du khách có thể quan sát tổng thể sự hoành tráng của quần thể tháp và cảm nhận được rõ nhất lịch sử hào hùng của thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ. Du khách hoàn toàn yên tâm rằng mình sẽ có một chuyến tham quan xứng đáng khi đến với địa điểm này.
Những năm trở lại đây, Phú Yên là đang dần trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Năm 2022, du lịch Phú Yên là “từ khóa” tìm kiếm hàng đầu trên Google. Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, bên cạnh các điểm đến hấp dẫn du khách như: Gành Đá đĩa, Mũi Điện - nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam..., Tháp Nhạn cũng là nơi không thể bỏ qua trong hành trình của du khách. Năm 2022, riêng di tích Tháp Nhạn đón khoảng 150.000 lượt du khách tham quan.
Rất thích thú vì đã chọn được góc để chụp tấm ảnh có đầy đủ thành viên trong gia đình và “ôm trọn” hình dáng Tháp Nhạn, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Chị cùng gia đình và bạn bè đã nhiều lần đến du lịch và nghỉ dưỡng tại thành phố Tuy Hòa và mỗi lần đều tham quan Tháp Nhạn. Nơi đây có vị trí đẹp, thơ mộng, khung cảnh tháp trầm mặc, uy nghiêm. Mỗi lần đến tham quan ở thời điểm khác nhau, không gian khác nhau lại có nhiều cảm xúc rất riêng. Ví dụ vào buổi tối đêm trăng rằm, khung cảnh rất nên thơ khi trăng xen qua kẽ lá; những lớp rêu phong trên nền gạch cũ của Tháp Nhạn hiện lên rất đẹp...
Đến miền đất võ Bình Định, du khách nên dành ra ít nhất một ngày để tham quan “tour tháp Chăm” với 8 cụm, 14 tháp ở nhiều địa phương khác nhau. Du khách có thể tự mình tìm hiểu về văn hóa và những nét kiến trúc độc đáo vì hầu hết các tháp Chăm đã gắn mã QR thuyết minh tự động. Dưới chân tháp cổ, những câu chuyện kể về nền kinh đô xưa trên mảnh đất Bình Định, về hào khí của nghĩa quân Tây Sơn Tam Kiệt rất lý thú và đủ để “níu chân” du khách.
“Làm mới” không gian tháp Chăm
Từ năm 2013, tỉnh Phú Yên nhận thấy ngành du lịch còn “nghèo” các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh nên đã xúc tiến xây dựng các tour du lịch đến với Tháp Nhạn, đồng thời hình thành các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại khu vực xung quanh. Các hoạt động Lễ vía Bà Thiên Y A Na và Hội thơ Nguyên tiêu được tổ chức quy mô lớn hơn; lồng ghép giới thiệu các giá trị văn hóa, tâm linh và du lịch của Tháp Nhạn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đã đưa di tích Tháp Nhạn vào điểm khởi đầu cho các tuyến du lịch nội tỉnh; đồng thời kết nối di tích Tháp Nhạn với các di tích đền tháp Chăm-pa khác ở các địa phương lân cận nhằm hình thành tuyến tham quan du lịch về di sản đền tháp Chăm-pa ở miền Trung.
Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật dưới chân Tháp Nhạn đã làm cho nơi đây “động” hơn trong không gian “tĩnh” của tháp. Du khách vừa được ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính của tháp vừa được thưởng thức các điệu múa của người Chăm; hòa tấu đàn đá, kèn đá; hòa tấu cồng chiêng, trống đôi và múa xoan. Với cách làm này, thời gian qua điểm đến tham quan Tháp Nhạn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Những điệu múa Chăm truyền thống cũng là một hoạt động đặc trưng tại Tháp Bà Ponagar ở thành phố Nha Trang. Hoạt động này thường được tổ chức vào khung giờ đón du khách trong ngày. Du khách sẽ được thưởng thức những vũ điệu múa và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Chăm vô cùng quyến rũ, đặc sắc.
Thực tế, múa Chăm ở Tháp Bà Ponagar luôn để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. “Khi xem múa Chăm ở Tháp Bà Ponagar, mình cảm thấy rất thú vị và hào hứng. Các điệu múa rất duyên dáng, uyển chuyển. Âm nhạc thì thôi thúc lòng người. Khi đến đây xem múa Chăm, mình có thêm một cảm nhận mới về vùng đất Nha Trang đó chính là chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp truyền thống bên cạnh đô thị hiện đại”, chị Lê Thị Ngọc Duyên, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Để các hoạt động du lịch tại tháp Chăm mang tính bền vững, tỉnh Bình Định đã có những kế hoạch dài hơi hơn khi khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, tuyến, các ấn phẩm quảng cáo chuyên đề về tháp Chăm; khôi phục các làng nghề truyền thống điêu khắc Chăm Pa. Địa phương còn thực hiện quy hoạch để hình thành làng nghề trên cơ sở các di tích văn hóa Chămpa đã được xếp hạng như: Thành Cha, Lò gốm cổ Gò Sành, Lò gốm cổ Gò Hời… Nghệ nhân điêu khắc được hỗ trợ phát triển nghề, từng bước hình thành các sản phẩm lưu niệm Chăm độc đáo.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định còn đề xuất, cần phải đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các tháp Chăm: Trưng bày văn hóa Chăm (trang phục người Chăm, một số hiện vật Chăm…); hàng đặc sản. lưu niệm, nước uống, đồ ăn nhẹ… mang bản sắc văn hóa Chăm. Với các giá trị tháp Chăm hiện có, có thể kết hợp phát triển gắn với các loại hình du lịch khác như: Nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, du lịch nghiên cứu, du lịch giáo dục.
Dẫu chỉ còn lại một số dấu tích như nền, móng chứ không còn công trình hiển lộ, nhưng Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực tôn tạo lại di tích thành cổ Châu Sa để kết nối vào tour du lịch nội tỉnh với các điểm đến khác như đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, khu Chứng tích Sơn Mỹ,…
Để tháp Chăm không trầm mặc mà ngày càng thu hút đông khách du lịch hơn, các địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ đã “làm mới” bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với không gian văn hóa. Báu vật tháp Chăm đã góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, mang bản sắc riêng cho mỗi địa phương. Hơn thế, đó còn là sự trân quý và ước muốn lưu truyền những báu vật quý giá của cha ông được nhiều hơn và lan tỏa xa hơn...