Những trang bìa tạp chí phá cách

Đa số bìa các tạp chí tiếng tăm trên thế giới đều áp dụng một lối trình bày quen thuộc: Hình ảnh một ngôi sao nổi tiếng đẹp lung linh ở chính giữa với tên riêng của họ được bôi đậm. Song khuôn mẫu này dù đẹp đã không còn “bắt mắt” đối với độc giả ngày nay. 

Độc giả cũng đọc một lần rồi quên luôn những dòng tít về nam diễn viên nọ say xỉn đánh bạn gái hay nữ ca sĩ kia mới chia tay bạn trai trên bìa tạp chí. Đôi khi, chính những nhân vật không nổi tiếng vì xinh đẹp hay giàu có nhưng lại mang theo một thông điệp có sức lay động lại được độc giả nhớ mãi. Hình ảnh hai cô gái Trung Đông Malala Yousafzai và Bibi Aisha từng xuất hiện trên bìa tạp chí Time dưới đây là một vài ví dụ.

Malala Yousafzai

Câu chuyện về nhà hoạt động nữ quyền chưa đầy 18 tuổi Malala Yousafzai đã cho thấy sự dũng cảm phi thường của cô gái này. Tháng 4/2013, Malala xuất hiện trên bìa tạp chí Time với danh hiệu một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Trước đó, nữ sinh người Pakistan này đã có những năm tháng dài đấu tranh cho quyền được đi học của các bé gái bất chấp sự đe dọa của các nhóm khủng bố.


Năm 2009, khi mới 12 tuổi, Malala đã gửi nhiều bài viết đến hãng BBC (Anh) kể về sự tàn bạo của phiến quân Taliban tại quê nhà: giết người, cướp bóc và phá hủy hàng trăm ngôi trường dành cho nữ sinh. Qua ngòi bút của mình, Malala bày tỏ ước mơ trở thành một bác sĩ cũng như lòng quyết tâm đấu tranh cho quyền được đi học của các bé gái ở thung lũng Swat. Tuy nhiên, càng phản đối dữ dội, Malala lại càng bị đe dọa.

Một buổi chiều tháng 10/2012, Malala rời trường học và lên xe buýt để về nhà. Một tay súng Taliban đã lùng sục chiếc xe để tìm Malala. Hắn đã ngắm bắn thẳng vào đầu cô bé, viên đạn xuyên qua cổ và găm vào vai. Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với một cô học trò, người chỉ có mong muốn duy nhất là được đối xử bình đẳng. Malala đã được chuyển tới nước Anh để điều trị tổn thương não. Khi phục hồi sức khỏe một cách kỳ diệu, cô bé đã theo học tại đây và tiếp tục hoạt động đấu tranh cho nữ quyền ở quê hương.

Năm 16 tuổi, Malala được Liên hợp quốc và Thủ tướng Anh ca ngợi là một “biểu tượng của lòng dũng cảm và hy vọng”. Một năm sau đó, năm 2014, Malala vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử được trao giải thưởng này. Nữ sinh này còn ủng hộ 50.000 USD để xây dựng lại 65 trường học ở Dải Gaza.

Bibi Aisha

Bibi Aisha tên thật là Aisha Mohammadza, sinh ra và lớn lên tại đất nước Afghanistan. Gương mặt của cô gái này đã bị chính bàn tay của người chồng làm cho biến dạng. Dáng vẻ e dè của cô gái mới 18 tuổi cùng với khuôn mặt thiếu chiếc mũi trên trang bìa tạp chí Time tháng 8/2010 đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.


Aisha bị ép gả cho một phiến quân Taliban khi mới 14 tuổi. Với bản tính hung bạo, tên này đã đánh đập cô ngày cũng như đêm. Bốn năm sau, Aisha chạy trốn nhưng bị cảnh sát bắt được, phải ngồi tù 5 tháng rồi bị đưa trở về nhà.

Lúc này, để trừng phạt tội bỏ trốn, gia đình nhà chồng đã đưa cô gái bé nhỏ lên núi cao rồi cắt tai, mũi và bỏ mặc cô trên núi. Các nhân viên cứu trợ và binh sĩ Mỹ đã phát hiện và đưa Aishi tới bệnh viện. Vượt lên trên nỗi sợ hãi về thời quá khứ phải sống như một nô lệ, Aishi đã đồng ý xuất hiện trên bìa tạp chí Time nhằm cho cả thế giới tận thấy được điều mà bất kỳ một phiến quân nào cũng có thể dễ dàng làm với phụ nữ Afghanistan, miễn là hắn thích, mà không bị pháp luật trừng trị.

Bức chân dung của cô chính là hình ảnh minh họa có sức truyền cảm nhất cho phóng sự của Aryn Baker, phóng viên tờ Time, viết về số phận của những cô gái may mắn được giải thoát khỏi những ông chồng Taliban nhờ các chiến dịch truy quét khủng bố ở đất nước Trung Đông này. Họ thực sự sợ hãi khi nghĩ tới ngày “đại dịch” Taliban có thể bùng phát trở lại và ý thức hệ hà khắc của chúng sẽ một lần nữa xoáy sâu vào số phận của người phụ nữ.

Đại diện của tờ Time cũng đã đưa Aisha tới Mỹ để thực hiện phẫu thuật tái tạo mũi và tai miễn phí. Các bác sĩ đã lấy sụn và mô của chính Aisha để tạo ra chiếc mũi mới. Cô gái này đã trải qua tổng cộng 12 ca phẫu thuật để lấy lại gương mặt tự tin, xinh đẹp vốn có. Aisha được một gia đình người Mỹ gốc Afghanistan nhận nuôi và hiện sống ở bang Maryland. Cô gái này đang nỗ lực học tập để có thể trở thành một cảnh sát nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Hoàng Trang
Nỗi niềm sinh viên báo chí làm cộng tác viên
Nỗi niềm sinh viên báo chí làm cộng tác viên

Để chuẩn bị cho tương lai, ngay từ khi còn học trong trường đại học, các sinh viên báo chí đã phải tập “tay nghề” bằng cách làm cộng tác viên.....

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN