Giữa nhịp sống hối hả thời buổi cơ chế thị trường này, những trang nhật ký chiến trường của một nhà văn liệt sỹ từ gần nửa thế kỷ trước vẫn có sức thu hút và lắng đọng lạ kỳ.Tràn ngập tình yêu thươngTrong không khí hào hùng cả nước ra trận, cả nước hướng về tiền tuyến lớn, ngày 11/4/19, gửi lại con thơ mười sáu tháng tuổi, nhà báo, nhà văn trẻ Dương Thị Xuân Quý đang công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam đã viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Chồng chị cũng là một nhà văn và đã vào chiến trường một năm trước đó.
Tác giả và cuốn “Nhật ký chiến trường” của nhà văn Dương Thị Xuân Quý. |
Khoan hãy nói đến những gian khổ, ác liệt của những chặng đường phía trước, thử thách đầu tiên và cũng ghê gớm nhất chị gặp phải là nỗi nhớ con. Nỗi nhớ con thường trực, cứ trở đi trở lại trong những trang viết của chị những ngày tháng sau đó.
Ngày 14 tháng 4 năm 19 đến Như Xuân, Thanh Hóa, chị viết: “Bằng giờ tuần trước mẹ đang tắm cho Ly đấy Ly ơi (Bùi Dương Hương Ly - con gái chị). Hôm nay là chủ nhật, mẹ và bố chẳng về với Ly được. Ly phải chịu nhiều ngày chủ nhật vắng mẹ, vắng bố như thế nữa”…
Ngày 10 tháng 5 năm 19, 11 giờ 30 trưa, Trạm 11, Lào: Mình nằm gối tay trên võng và lặng lẽ nhớ Ly... Kìa, mắt con đang xuyên qua cành cây, soi thẳng xuống mắt mẹ. Cảm ơn Ly. Mẹ sẽ đi trong ánh nhìn của con”…
Ngày 9 tháng 8 năm 19: Ly của mẹ, mẹ báo một tin mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu làm người lính chính thức của Tiểu ban văn nghệ rồi. Hôm nay ngày thứ nhất của cuộc đời mới.
Đối với chồng, chị cũng dành cho anh những tình cảm trân trọng, sâu sắc. Đấy là một tình yêu thắm thiết chung thủy, mặn nồng trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Chị tự hào về anh, đi theo bước chân xông pha chiến trường của anh, vui mừng trước những tiến bộ của anh. Chị viết: “Ngày 8/5/19, trạm 10, Lào: Một năm anh của ta gia nhập Đảng... Anh thương yêu của em. Hôm nay chắc anh nhớ và nghĩ về em và Ly nhiều. Từ một khu rừng Lào thuộc tỉnh Khăm Muộn em thân yêu chúc mừng anh một tuổi Đảng”.
Những trang nhật ký đã ghi lại những nghĩ suy, trăn trở, cả những dằn vặt của chị, nhưng tất cả đều hướng tới cái Đẹp, sự Cao cả, vì đại nghĩa mà quên đi bản thân mình. Đó là những dòng viết chân thật, chân thật đến tận cùng.
Qua những trang viết, chiến trường hiện lên thật khắc nghiệt. Những khó khăn gian khổ, ác liệt mà các anh chị phải nếm trải: bom đạn, mưa lũ, thiếu muối, thiếu gạo, thiếu đạm,.. Những chuyến đi tải gạo trong mưa rừng, lũ quét, trong bom đạn địch. Những cơn sốt rét tái tê, bầm dập... Nhưng hơn hết, cũng qua những trang viết đó, vẫn hiện lên một tập thể nhiều con người tốt, dũng cảm, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh, quên mình vì lý tưởng cao đẹp. Tập thể ấy có những con người tuyệt đẹp như: Trần Tiến (nhà văn Chu Cẩm Phong) sau này đã được phong Anh hùng - anh là người lãnh đạo, luôn như một người anh, người chị cả, gương mẫu, chân tình, nhường nhịn, luôn quan tâm đến đồng đội bằng những việc làm thiết thực, dũng cảm, hết mình vì công việc chung. Như chị - Dương Thị Xuân Quý - một nữ nhà văn trẻ say mê vì nghiệp lớn. Chị tâm sự với con qua những dòng nhật ký: “Dù thế nào mẹ cũng không bỏ viết đâu vì mẹ đã phải hy sinh những ngày hạnh phúc bên con vì nghệ thuật, điều đó chính là sức mạnh phi thường của mẹ, cổ vũ mẹ mạnh mẽ đi lên”.
Nhiều dự định còn dang dở
Chị là con người chân thật, cầu thị, giàu nữ tính, nhưng đầy cứng cỏi, quyết tâm, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, có bản lĩnh, không thỏa hiệp, xuê xoa một chiều. Niềm đau đáu của chị là muốn nhanh chóng tiếp cận được cuộc sống chiến đấu ác liệt của bà con ta ở vùng sâu, tận mắt chứng kiến và tham gia cuộc chiến đấu anh hùng của bà con, để sẽ có những tác phẩm văn học xứng đáng.
Những dòng chữ tắm trong bùn đất, mồ hôi và máu. Và cũng thật lạ, cùng hồi tưởng, tắm hồn trong không khí khốc liệt của bom đạn, máu và nước mắt, đói khát, giặc giã tôi lại thấy lòng mình yên tĩnh lạ lùng. Tôi được trở về những ngày tháng cao đẹp. Ở đó là sự thử thách, lửa thử vàng, gian khó, hiểm nguy thử anh hùng, thử lòng dũng cảm. |
Chính vì niềm khao khát cao cả ấy, được xuống đồng bằng chuyến đầu, chị đã lao xuống vùng sâu, rất sâu - nơi ác liệt nhất của chiến trường: “Tôi đi Xuyên Hòa kịp thời. Chiều 21/2/1969 thì tới Xuyên Hòa sau khi suýt chết vì tàu rà bắn rốc két, mặc dù tôi và cô giao liên đi hợp pháp. Tôi phải bỏ lại gùi ở đồng Xuyên Khương vì tàu rà bám riết quá...”, “ Sáng 22/2, tôi đang mải làm việc với chị Hội trưởng phụ nữ xã ở lại chỗ ngủ đêm trước thì Mỹ ập tới. Tôi lướt theo anh Bí thư chạy... Mỹ vào nhà tôi ở - các chị kể là một thằng Mỹ cầm súng còn giương lên nhằm tôi và anh P nhưng nó không bắn”, “Vì chạy càn với cán bộ nên tôi vẫn tranh thủ làm việc được.... Đêm ấy du kích bắn máy bay thả cửa, bọn nó (Mỹ) phản ứng bắn ca nông vào thôn tôi như mưa. Thím Ba chỉ xuống hầm sau tôi mà bị thương nặng vào đùi.... Hôm sau Mỹ vào càn nữa. Nó hỏi Việt cộng bắn máy bay đâu? Dân ta bảo: Đi rồi! Nó lại rút. Nó bỏ bom dữ dội” (Thư gửi nhà văn Chu Cẩm Phong).
Chị dự định: “Tôi định viết một cái ký về Xuyên Phú, Xuyên Hòa với đợt tiến công đầu xuân này và một cái ký về Xuyên Châu với con đường 104. ..Tôi đang suy nghĩ một cái truyện vừa về Xuyên Hòa. Khi gặp anh tôi sẽ kể xem có được không nhé”...(Thư gửi nhà văn Chu Cẩm Phong).
Nhưng chị đã không kịp làm tất cả những dự định đó, cũng không gặp lại được nhà văn Chu Cẩm Phong. Ít ngày sau, chị xuống tận vùng biển Bình Triều, Bình Dương, rồi vượt qua vùng Hội An sông nước mênh mông ra vùng Đông Duy Xuyên. Đây là địa bàn của quân Nam Triều Tiên. Chị đến Xuyên Tân thì gặp càn. Chị ở hầm bí mật hai đêm ba ngày. Khuya đêm thứ ba thấy êm, chị cùng đồng đội ngoi lên. Một loạt đạn của lính Nam Triều Tiên đã bắn gục chị ngay trên miệng hầm.
Nhà văn Nguyên Ngọc viết: Thật bất công nếu không gọi chị là một anh hùng. Gia tài văn chương của Dương Thị Xuân Quý để lại chỉ vỏn vẹn một tập truyện ngắn và bút ký “Hoa Rừng” mỏng mảnh cùng những trang nhật ký chiến tranh này. Nhưng cái để lại của chị cho người sau, cho đất nước thì không nhỏ. Đó là tư thế, là dáng đứng của người cầm bút. Đọc những trang nhật ký của chị, chúng ta hiểu thêm về một lớp nhà văn đã hy sinh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì độc lập tự do của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của họ vẫn đáng để hôm nay chúng ta suy ngẫm.
ĐÀM CHU VĂN