Nỗ lực nước rút vì một Para Games vàng

Nối tiếp SEA Games 26, Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á cũng được tổ chức tại Indonesia vào tháng 12. Những ngày nước rút này, Đoàn Para Games Việt Nam đang cố gắng, nỗ lực và khẩn trương tập luyện.

ASEAN Para Games 6 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 22/12. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 125 thành viên, trong đó có 106 vận động viên (VĐV) được đào tạo ở 2 cơ sở là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thi đấu ở 6 nội dung: điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cầu lông, cử tạ và cờ vua. Theo kế hoạch, sau khi ASEAN Para Games 6 kết thúc, các VĐV xuất sắc ở ba môn bơi lội, điền kinh và cử tạ sẽ được triệu tập để chuẩn bị cho Paralympic London 2012.

Tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia vào một ngày đầu đông, không khó để nhận ra những vận động viên khuyết tật trên sân với những chiếc xe lăn, đôi ống nạng hay chiếc chân giả. Bất chấp cái lạnh, họ hăng say, miệt mài trên các bãi tập. Huấn luyện viên đội điền kinh khuyết tật Trần Đình Khâm chia sẻ: Mỗi ngày, các VĐV tập luyện từ 5-6 giờ, ai cũng mang trong mình bầu nhiệt huyết nên ý thức tập luyện rất cao.

Các VĐV của đội cử tạ luyện tập trước ngày lên đường. Ảnh: Ngọc Trường - TTXVN

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là sự nỗ lực và cố gắng của các vận động viên khuyết tật trên đường chạy điền kinh. Chị Nguyễn Thị Thủy là người nhiều tuổi nhất trong đội, một tai nạn ô tô đã cướp đi một chân của chị cách đây 20 năm. Chị cho biết, lúc đầu mình chỉ nghĩ chơi thể thao để có sức khỏe và xóa đi mặc cảm với mọi người. Thế nhưng không dừng lại ở chơi phong trào, chị đã được phát hiện và chọn vào đội tuyển điền kinh Việt Nam. Chị phấn khởi nói: Đây là cơ hội để tôi thử sức mình, được thi đấu và sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Thật là tự hào.

Vận động viên Phạm Đức Chung đã từng vô địch thế giới tại Dortmund (Đức), bị teo một bên chân nhưng anh không từ bỏ tình yêu đối với thể thao. Para Games 6 là lần thứ 5 anh tham dự, và đặt mục tiêu giành được chiếc huy chương vàng cho cầu lông nước nhà. Đối thủ của anh là các đội mạnh nhưng nhà vô địch vẫn tự tin mình sẽ tiếp tục đăng quang.

Thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cầu lông Phạm Văn Tân (sinh năm 1990), mồ hôi vẫn lấm tấm đọng trên khuôn mặt em sau giờ luyện tập. Em tâm sự: Cơn sốt nặng năm mới 1 tuổi đã làm một bên chân của em bị liệt vĩnh viễn. Không cam chịu khuất phục trước số phận, em cố gắng vươn lên, học hành và chăm chỉ tập luyện thể thao. Bắt đầu tập cầu lông từ năm 15 tuổi, dù biết chân khó di chuyển nhưng với em, tập thể thao là để chiến thắng chính bản thân. Đây là lần thứ 2 tham dự Para Games, tâm lý của em rất thỏa mái vì luôn được mọi người động viên và không đặt gánh nặng về thành tích.

Anh Cường là VĐV điền kinh bị mờ mắt loại T12, khi nghe hiệu lệnh của huấn luyện viên vào vạch xuất phát, anh sử dụng đôi tay sờ sờ tìm bàn đạp xuất phát rồi nhanh chóng chạy băng trên đường đua. Với mong muốn sẽ đạt huy chương vàng, anh đang dồn hết tâm trí để nắm bắt tốt các bài tập.

Đánh giá về giải thi đấu Para Games sắp tới, ông Trần Đình Khâm, huấn luyện viên điền kinh cho biết: Tham dự Para Games lần này, bộ môn điền kinh sẽ cố gắng dành 10 huy chương vàng. Chúng ta đang đề ra phương an để thi đấu tốt với các đối thủ mạnh như Malaixia, Indonexia, Thái Lan. Ông chia sẻ: Đây là giải của những người khuyết tật, mất mát nhiều nên họ cần được ưu tiên hơn hết. Vì thế, giải đấu luôn mang tính chất động viên và cỗ vũ tinh thần các VĐV.

Mỗi người, một cảnh đời khác nhau nhưng họ có chung tình yêu với thể thao, chung nghị lực vươn lên xóa bỏ mặc cảm tự ti trong cuộc sống. Anh Phạm Văn Nhuận, thương binh hạng 1/4, bị cụt cả hai chân, bằng sức mạnh của đôi tay, vừa lăn bánh xe, vừa cầm vợt một cách khéo léo không kém phần mạnh mẽ. Anh cho biết: Gần ngày thi đấu nên mình cũng khá căng thẳng, tăng cường độ tập luyện, kể cả ban đêm để thích ứng với ánh đèn. Trong đội, có người bị cụt cánh tay, mỗi khi chạy vớt cầu lại như sắp bị gục ngã do mất thăng bằng; người thì bị bại liệt teo chân, cụt chân phải dùng chân giả lấy hết sức lực chạy theo tú cầu; có người lại chạy bằng xe lăn, một tay cầm vợt, một tay lăn bánh xe di chuyển trông rất nhọc nhằn. Khó khăn là vậy nhưng vượt lên tất cả, tiếng cười vẫn rôm rả khắp nơi.

Sau thành công tại SEA Games 26 của Việt Nam, Đại hội Para Games đang đến gần. Với những nỗ lực, ý chí và tinh thần thép của những người “tàn nhưng không phế”, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đang hướng tới những thành tích mới để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đấu trường quốc tế.



Thảo Hoài Thương

Cô gái đất cảng với 4 huy chương SEA Games
Cô gái đất cảng với 4 huy chương SEA Games

Vào nghề vì... bố mẹ không có thời gian trông con. Tập 12 tiếng mỗi ngày. Ốm sốt tập cho ra mồ hôi để khỏi ốm... Đó là những mẩu chuyện nhỏ về Phan Thị Hà Thanh chủ nhân 4 tấm huy chương tại SEA Games 26.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN