Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện đề án thời gian qua, những mặt thuận lợi, những khó khăn cần tháo gỡ để có phương án hiệu quả thực hiện vào giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mọi người dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai đề án giai đoạn 2014-2020 và đã đạt được kết quả tích cực. Các đơn vị đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, chủ động tìm tòi, sáng tạo để có phương thức phục vụ công chúng phù hợp nhất, đưa tri thức đến với mọi đối tượng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân…
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: Từ năm 2014-2020, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên.
Cụ thể, hoạt động thư viện luôn được đổi mới theo hướng phát huy nguồn lực hiện có, mở rộng các dịch vụ mới, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách báo. Công tác luân chuyển sách, phục vụ lưu động được tăng cường, mở rộng. Trung bình, mỗi thư viện tổ chức hơn 40 đợt luân chuyển, phục vụ lưu động/năm. Nhiều lớp học trang bị kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ thông tin, sinh hoạt chuyên đề, khéo tay hay làm dành cho các đối tượng người đọc đã diễn ra tại thư viện.
Trong hoạt động bảo tàng, nội dung trưng bày được sáng tạo không ngừng. Bảo tàng đã khẳng định vị thế không chỉ là nơi gìn giữ di sản vật chất, tinh thần về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc mà còn là trung tâm thông tin, trường học, địa chỉ văn hóa của công chúng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản đến cơ sở thông tin các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, đổi mới hoạt động bảo tàng gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường. Ngành Văn hóa đã liên kết với ngành Giáo dục thực hiện chương trình “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông” thông qua sinh hoạt hè, học tập lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích lịch sử.
Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư sửa chữa, xây dựng và ngày càng phát huy hiệu quả, đổi mới, sáng tạo về loại hình, cách thức thể hiện, hướng dẫn văn hóa, văn nghệ tại chỗ và lưu động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các địa phương đã tổ chức lớp năng khiếu, hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng góc đọc sách báo…, từ đó khơi dậy khả năng sáng tạo cho người dân, nhất là giới trẻ.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện đề án thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực về tư liệu đáp ứng cho các hoạt động học tập suốt đời ở các thiết chế văn hóa còn chưa đảm bảo. Kinh phí triển khai các hoạt động học tập tại hệ thống các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ nhìn chung vẫn chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính chưa được ban hành cụ thể, nguồn kinh phí thực hiện đề án còn eo hẹp, phải lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ chính trị của địa phương nên chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn do không được cấp kinh phí, phải thường xuyên lồng ghép kết hợp với các hoạt động chuyên môn khác của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng hoạt động chưa đồng đều giữa các vùng miền cần được khắc phục.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần phải được khắc phục để các hoạt động thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” giai đoạn tiếp theo có chất lượng, hiệu quả cao, quy mô ngày càng rộng rãi hơn...