Nữ đạo diễn 'thép' của Điện ảnh Cách mạng đã trở về với đất...

Người ta nhắc đến bà với tư cách là một nữ chiến sĩ cách mạng, đã tham gia từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa. Người ta nhắc đến bà với tư cách là "nữ tướng" đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, một người "đàn bà thép" trên phim trường, với sức cống hiến mạnh mẽ và bền bỉ. Và người ta nhắc đến bà với tư cách là người vợ của cố thi sĩ Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình Việt Nam. Với người phụ nữ này, thế đã đủ để khái quát lên một chân dung?


Con người của những cống hiến


 

Sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh, cô bé Nguyễn Thanh Tâm (tên thật của NSND Bạch Diệp) đã sớm bộc lộ niềm đam mê với điện ảnh. Và cái nghiệp điện ảnh cũng đã theo bà tới tận những ngày cuối cùng của cuộc đời, dẫu rằng trong hành trình của mình, "xuất phát điểm" của NSND Bạch Diệp lại không phải là phim trường, diễn viên...


Đạo diễn Bạch Diệp chỉ đạo làm phim.

 

Theo gia đình chuyển về sống ở Hải Dương từ năm 1941 (khi 12 tuổi), đến năm 1945, khi vừa tròn 16 tuổi, bà đã quyết định đi theo Việt Minh, tham gia Tổng khởi nghĩa và phong trào Phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương, hoạt động trong Tỉnh hội và Thường vụ Liên khu III. Năm 1955, bà chuyển về làm tại báo Nhân Dân, với vai trò tổ trưởng tổ Hà Nội, chịu trách nhiệm những thông tin về thành phố.


Phải đến năm 1959, bước ngoặt của cuộc đời NSND Bạch Diệp mới thực sự bắt đầu, khi bà được cử theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa - Thông tin mở, do các chuyên gia Liên Xô (cũ) hướng dẫn. 30 tuổi, không phải là một khởi đầu sớm cho sự nghiệp, nhưng không vì thế mà thành công đến muộn với đạo diễn Bạch Diệp. Ngay khi tốt nghiệp, năm 1963, bà đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay “Trần Quốc Toản ra quân”, chuyển thể từ chèo. Và bộ phim đã ngay lập tức giành giải Bông Sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II.


Sau thành công đầu tiên này, sự nghiệp điện ảnh của Bạch Diệp đã thực sự nở rộ những năm tiếp theo. Bà đã rất thành công với những tác phẩm như "Người về đồng cói" (1973), "Ngày lễ thánh" (1976), "Câu chuyện làng Dừa" (1977), "Người chưa biết nói" (1979), "Ai giận ai thương" (1982), "Mảnh trời riêng" (1983), "Trừng phạt" (1984), "Y Hơ Nua" (1985), "Cuộc chia tay không hẹn trước" (1986), "Huyền thoại về người mẹ" (1987), "Ngõ hẹp" (1988), "Hoa ban đỏ" (1994)...


Và điều đáng nói là bà không bao giờ có ý định dừng lại. Năm 1992, sau khi về hưu, bà vẫn tiếp tục sự nghiệp làm phim của mình: Làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam; các chuyên mục "Điện ảnh chiều thứ 7" và "Văn nghệ chủ nhật". Thậm chí, đến năm 80 tuổi, bà vẫn say mê làm phim và trở thành đạo diễn nhiều tuổi nhất ở Việt Nam thực hiện phim truyền hình "Hà Nội một thời".


Đạo diễn Bạch Diệp được phong tặng danh hiệu NSND năm 1997, và sau đó 10 năm, năm 2007, bà lại vinh dự nhận "Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật" cho các tác phẩm "Ngày lễ thánh", "Huyền thoại mẹ" của mình.


Dữ dội và dịu êm


Những người trong giới làm điện ảnh luôn nể phục sức làm việc cũng như bản lĩnh của người nữ đạo diễn này. Câu chuyện được kể nhiều nhất là chuyện khi Bạch Diệp bước chân vào lớp đạo diễn theo sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô tại trường Điện ảnh Việt Nam, một chuyên gia đã hỏi bà: “Quyết định theo học nghề này, chị đã suy nghĩ kĩ chưa? Đạo diễn là nghề của đàn ông, vì làm một bộ phim thường rất dài ngày và tốn nhiều sức lực. Ngay cả trên thế giới cũng rất hiếm phụ nữ thành danh nhờ cái nghề cực nhọc này”. Câu hỏi đó không làm cho Bạch Diệp sợ mà trở thành động lực để bà quyết liệt theo nghề và tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu. 


Với cương vị “tổng chỉ huy” phim trường, Bạch Diệp đã tỏ rõ là một đạo diễn không dễ bị khuất phục trước khó khăn. Bản thân đạo diễn Bạch Diệp cũng thừa nhận, nổi nóng là tính xấu của bà khi làm việc, bà có thể quát tháo, mắng mỏ một quay phim khi những cảnh quay không ưng ý, hét lên với một diễn viên khi diễn chưa "ngọt"... nhưng chung quy cũng vì mong muốn bộ phim là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của từng mắt xích trong một ê-kíp. Chính vì thế, đạo diễn Bạch Diệp cũng nổi tiếng là một trong những đạo diễn được gắn cho nhiều biệt danh nhất, nào là “Nữ tướng trường quay”, “Con hổ trường quay”, “Người đàn bà đanh thép”...


Dữ dội trong sự nghiệp là vậy, nhưng chuyện đời của người phụ nữ này cũng có những phút giây khiến người ta phải lắng lòng... Bà kết hôn lần đầu với thi sĩ Xuân Diệu lúc bà 27 tuổi, còn ông đã 40 tuổi. Cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài nửa năm và cả hai người trong cuộc đều im lặng về những ngày sống chung ấy. Năm 1975, bà kết hôn với ông Nguyễn Đức Tường. Sau 15 năm chung sống hạnh phúc, thì ông Tường cũng qua đời. Bà lại một mình vò võ... Thế nhưng, chưa bao giờ người ta thấy bà oán thán số phận, mà ngược lại, tình yêu cuộc sống dường như lại được bà dồn hết vào cho điện ảnh - niềm đam mê lớn nhất đời bà...

 

NSND Bạch Diệp, nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, đã qua đời lúc 10 giờ sáng ngày 17/8, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, thọ 85 tuổi.

 

D.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN