Sự việc chưa từng có tiền lệ: Cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 (nằm trong khuôn khổ Festival Biển 2013 và Hội chợ du lịch Biển quốc tế Nha Trang 2013) bị cơ quan chức năng (Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thu hồi giấy phép chỉ vài ngày trước đêm chung kết. Lý do dẫn đến cuộc thi bị hủy là trong quá trình tổ chức, ban tổ chức cuộc thi đã có nhiều sai phạm, không thực hiện đúng Nghị định số 79 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu.
Các người đẹp rời sân chơi khi Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định thu hồi giấy phép cuộc thi. |
Sự việc diễn ra từ tháng 6 năm ngoái và những rắc rối xung quanh cuộc thi này tưởng đã khép lại nếu như không có sự khởi kiện của Công ty Quảng cáo và Truyền thông Rồng Việt (Công ty Rồng Việt - đơn vị đăng cai cuộc thi này) đối với cơ quan ra quyết định thu hồi giấy phép là Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Tại phiên tòa xét xử ngày 18/3 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên: Hủy quyết định thu hồi giấy phép cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 do Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành. Điều đó có nghĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn thua cuộc và có trách nhiệm phải bồi thường cho Công ty Rồng Việt.
Phía Công ty Rồng Việt cho rằng, cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam chỉ là cuộc thi người đẹp cấp vùng và việc công ty này đứng ra đăng cai hoàn toàn không vì lợi nhuận. Họ đã thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục theo quy định. Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi nói trên không có căn cứ, không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng uy tín và thiệt hại về vật chất của doanh nghiệp này. Theo Nghị định 79/2012/NĐ - CP của Chính phủ, Thông tư số 03 ngày 28/1/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ - CP đều không có điều khoản nào quy định Cục Nghệ thuật biểu diễn có chức năng, quyền hạn, thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi người đẹp cấp vùng. Những sai phạm nếu có của Công ty Rồng Việt nêu tại văn bản làm việc ngày 31/5/2013 về việc kiểm tra công tác tổ chức cuộc thi, như phía Cục Nghệ thuật biểu diễn trình bày là những vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, phải được xem xét, xử lý theo các thủ tục, trình tự quy định tại Pháp lệnh xử lý các vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2008 và Nghị định số 75 ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Còn việc không phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính về hoạt động văn hóa là thuộc trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Còn phía Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn giữ quan điểm cho rằng, đây là cuộc thi mang tính quốc gia và sở dĩ cục này ban hành quyết định thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi là do trong quá trình tổ chức vòng sơ tuyển, Ban tổ chức cuộc thi đã có nhiều sai phạm, không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ - CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; tự ý thay đổi thành viên ban giám khảo so với đề án cuộc thi, tự ý thay đổi nội dung đề án cuộc thi nhưng không báo cáo và không được sự chấp thuận của cơ quan cho phép, không tổ chức vòng thi bán kết theo đúng thời gian, lộ trình quy định trong đề án của cuộc thi... Những vi phạm của Công ty Rồng Việt và BTC cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam năm 2013” được Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ ra tại Quyết định 215/QĐ-NTBD như sau: Tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: Có 114 thí sinh tham gia vòng sơ khảo nhưng chỉ có 59 thí sinh có hồ sơ đăng ký dự thi. Trong số 59 thí sinh nộp hồ sơ có 23 trường hợp thiếu thành phần hồ sơ. Tổ chức thi sơ tuyển tại 3 khu vực nhưng không thành lập Ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi của Ban giám khảo. Sau khi tổ chức xong vòng sơ tuyển, Ban tổ chức mới ban hành quyết định thành lập Ban giám khảo; không tổ chức vòng thi bán kết theo quy định...
Trên thực tế cho thấy, phần lớn các cuộc thi người đẹp phần lớn là dự án làm ăn của các công ty tư nhân (trong vai trò nhà tổ chức) nên mục tiêu lợi nhuận, hoặc đánh bóng thương hiệu được đặt lên trên hết, hơn là ý nghĩa xã hội của cuộc thi. Cách làm của họ là lôi kéo một số đơn vị chủ quản là bộ, ngành hoặc địa phương tham gia (chỉ trên danh nghĩa) nhằm hợp thức hóa thủ tục xin cấp phép. Cơ quan chủ quản thường đứng tên trưởng ban tổ chức, còn trên thực tế, các công ty này thâu tóm toàn bộ các khâu từ A tới Z... Thường thì sau khi được cấp phép, công việc tiếp theo hoàn toàn thuộc quyền quyết định của công ty tổ chức. Điều đó lý giải vì sao cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 (do một Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa làm trưởng ban tổ chức, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ và các sở, ngành), nhưng diễn tiến của vụ việc thì lại được phó mặc cho Công ty Rồng Việt.
Vụ việc tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng (Cục Nghệ thuật biểu diễn tuyên bố sẽ kháng cáo), nhưng đã cho thấy những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với các cuộc thi người đẹp cần sớm được chỉnh sửa.
Yến Nhi