Ba nhân vật chính của câu chuyện: Ông lão đánh cá, bà vợ và tôm hùm
|
Gần một tiếng đồng hồ để lũ trẻ réo rắt cùng ông lão đánh cá, vợ ông lão đánh cá, cô tôm hùm và cá thờn bơn, cùng những sắc màu của biển, khi hiền hòa, lúc dậy sóng, khi bão tố phong ba… tùy theo diễn biến câu chuyện. Quả cũng là thành công của đạo diễn người Đức sinh năm 1973, Dominik Günther, người đã từng quen thuộc từ năm 2014 với khán giả Việt Nam khi đạo diễn “Vòng phấn Kavkaz”, cũng là người đã coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình, sau nước Đức.
Bà vợ tham lam luôn đòi hỏi chồng phải thực hiện những yêu cầu của mình |
“Ông lão đánh cá và vợ”, tên vở diễn là như vậy, bởi cũng không có nhân vật cá vàng trong vở diễn. Ba nhân vật chính xuyên suốt là ông lão đánh cá hiền lành, nhu nhược, ngày nào cũng ra biển đánh cá nhưng ngày nào cũng về nhà với cái thuyền rỗng không; bà vợ sắc sảo, ghê gớm, luôn cằn nhằn trách mắng chồng; và cô tôm hùm dễ thương, sống chung với cảnh bốn bề là nước, sống chung cả với những buồn vui, thăng trầm của hai vợ chồng ông lão đánh cá.
Giây phút người vợ thỏa mãn với căn nhà đẹp và cuộc sống no đủ trong ước muốn đầu tiên |
Cuộc sống của họ chắc cứ hiền hòa trôi đi như thế, bà vợ áo tứ thân quét nhà mỗi ngày, ông chồng vô lo đặt đâu cũng ngủ được, sáng ra đã gối đầu lên chiếc thuyền rách mà ngáy pho pho, cô tôm hùm sặc sỡ với chiếc điện thoại làm bằng vỏ sò, chỉ tha thiết gọi được cho ai đó để trò chuyện cho đỡ buồn. Cho đến một ngày, khi chuyến đi biển của ông lão đánh cá đột nhiên không như mọi ngày: Ông đánh được một chú cá thờn bơn khổng lồ và biết nói. Khi cá van xin, ông đã thả cá, ông vốn là thế, nhân hậu và đơn giản, có phần ngốc nghếch nữa. Nhưng bà vợ, khi nghe câu chuyện, lại hiểu đây là cơ hội đổi đời của mình, nên đòi ông lão phải đi xin cá thần, cá thiêng một căn nhà thật đẹp.
Chú cá thờn bơn biết nói tức giận với những đòi hỏi ngày càng quá quắt của người vợ
|
Có nhà, được ăn no, hào hứng nhảy múa, những tưởng thế đã đủ cho bà vợ hài lòng rồi, nhưng không, đột nhiên bà muốn một cái nhà to hơn với 40 phòng ngủ lận, mà không, một tòa lâu đài và bà là hoàng hậu. Ông lão can ngăn vợ không nổi, đành lên thuyền ra biển, nhìn biển xám xịt vì tức giận, vẫn phải mở miệng xin cá thờn bơn cho vợ làm hoàng hầu. Yêu cầu được chấp nhận, căn nhà vốn đã có cửa rộng, đồng hồ gỗ sang trọng, bỗng chốc lại đổi thay, trù phú, sầm uất hơn và bà vợ đã rất đỗi hài lòng.
Nhưng qua một đêm ngủ, lòng tham lại nổi lên, bà đòi làm nữ hoàng. Ông lão lại ra biển, lại hát bài hát quen thuộc gọi cá: “Hỡi cá thần, hỡi cá thiêng. Hỡi thờn bơn của biển xanh. Vợ tôi bà Elizabel, không nghe chồng, chỉ đành hanh. Tôi chèo lái cả ngày, sao tôi lại than thân trách phận hỡi ai...” để xin cá cho vợ làm nữ hoàng. Biển nổi bão lớn, thuyền ông lão chao đảo, quay cuồng, nhưng cá thờn bơn vẫn đồng ý đáp ứng yêu cầu của ông lão. Lại một bước cho những sang trọng, phú quý, địa vị lên cao hơn.., khiến bà vợ ngất đi vì sung sướng…
Giây phút tất cả lâu đài, xiêm y, quyền lực mất đi, bà vợ mới hiểu cái gì mới là hạnh phúc đích thực |
Hỡi ôi, lòng tham vốn là vô đáy, người ta khó dừng lại khi không biết mình có thể mất gì, bà vợ cuồng loạn đòi làm bá chủ thiên hạ, gọi được mặt trăng, mặt trời, những vì sao mọc lên theo ý mình… Lời cầu xin của ông lão đánh cá chỉ được đáp lại bằng sự tức giận của cá thờn bơn, của biển cả và bỗng chốc bao giàu sang tan biến như một giấc mơ, bà vợ lại ngồi thu lu trong căn nhà rách nát bên bờ biển, với ông chồng vẫn hiền lành, ngờ nghệch của mình.
Chuyện kịch là thế, không có gì khác so với truyện gốc, chỉ là có thêm những nhân vật nhân hóa cho thêm sinh động, như một người dẫn chuyện. Nhưng trong mỗi tình tiết, mỗi cảnh diễn, vẫn thấy cái sáng tạo của đạo diễn, vẫn thấy sự mới lạ, độc đáo. Là cách đưa những video vào thành một “tiếng vọng” cho nhân vật tôm hùm trong vở diễn. Video là những em nhỏ, cả Việt Nam, cả Đức; cùng trả lời những câu hỏi như nhau, về niềm vui, về ước mơ, về điều mình thích, về hạnh phúc… Theo đạo diễn Dominik Günther, cách dựng kịch có video này anh đã làm nhiều ở Đức và đã nhiều lần thành công, nhưng ở Việt Nam là lần đầu anh dàn dựng, tuy nhiên, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ đã đáp ứng được, làm tốt hơn cả mong chờ của đạo diễn.
Cũng trong vở diễn, cái kết nhân hậu hơn. Dù đứa trẻ trong video đã trả lời câu hỏi cuối cùng “Điều gì thực sự khiến ta hạnh phúc ”, rằng: Đôi khi ta không biết rằng mình đang hạnh phúc mà để mất đi nó; nhưng với lời xin lỗi của bà vợ : “Tôi xin lỗi, thật ra những gì vợ chồng mình đã có cũng tốt mà”, đã cho thấy sự ngộ ra của người vợ đành hanh này, cũng như hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong cuộc sống sau này của hai vợ chồng ông lão đánh cá.
Vở diễn là dự án thứ hai được Viện Goethe Hà Nội đầu tư, nhưng là công trình hợp tác đầu tiên giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát thanh thiếu niên Dresden (Đức), dự định sẽ mang sang diễn tại Dresden vào năm sau, với vẹn nguyên những thiết kế sân khấu, phục trang như vở diễn tại Việt Nam, với dàn diễn viên Việt- Đức.
Như tâm sự của bà giám đốc Nhà hát thanh thiếu niên Dresden và Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, đây chính là sự giới thiệu văn hóa Việt Nam với khán giả Đức; vì vậy, cũng có thể hiểu cái bộ áo yếm tứ thân của bà vợ ông lão đánh cá, cái quần nâu và mũi cói của ông lão đánh cá, thuần Việt hoàn toàn, vì sao lại được đưa lên sân khấu như vậy, và điều đáng mừng là đưa rất nhuần nhụy, rất”ngọt”. Và cũng có thể hiểu, vì sao hơn 1 tuần qua, 3 nghệ sĩ của Nhà hát thanh thiếu niên Dresden lại có mặt tại Nhà hát Tuổi trẻ, để cùng tập luyện với những diễn viên Nhà hát và cùng hào hứng cho buổi ra mắt vở diễn vào cuối tuần qua.