9 năm trước, khi đặt chân đến đất nước Hàn Quốc, với kinh nghiệm nhiều năm sưu tầm nghệ thuật, ông David Ciclitira cùng vợ Serenella có cảm nhận rõ rệt rằng ở Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung hiện diện một nền nghệ thuật đương đại đang trên đà phát triển mặc dù chưa nhận được sự ghi nhận xứng tầm.
Với mong muốn nghiên cứu sâu hơn và tạo bệ phóng cho nền nghệ thuật đó, gia đình Ciclitira bắt tay cùng Saatchi Gallery (London, Anh) cho ra đời dự án “Global Eye Programme”, thực hiện các chức năng xuất bản sách, tổ chức triển lãm và trao giải thưởng. Năm 2009, cuốn sách và triển lãm cùng tên “Korean Eye: Thế hệ mặt trăng” xuất hiện, mang tên tuổi của 31 nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.
Học sinh Singapore tìm hiểu tác phẩm của nghệ sĩ đoạt giải “Eye Award” 2016 ở hạng mục Điêu khắc. |
Sau khi diễn ra tại thủ đô Seoul, triển lãm lan tới Saatchi Gallery và nhanh chóng được tăng thời gian trưng bày trước lượng khách tham quan vượt mức kỳ vọng. Một trong những thành công quan trọng nhất của triển lãm là bước tiến của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc như Boomoon và Lee Hyungkoo, từ những nghệ sĩ ngang tầm quốc gia vươn lên xây dựng sự nghiệp mang tầm quốc tế.
Thành công của chu trình thứ nhất dẫn đến sự ra đời của cuốn sách thứ hai “Korean Eye: Nghệ thuật đương đại Hàn Quốc” và triển lãm “Korean Eye: Điều bình dị tuyệt vời” năm 2010, tiếp tục là công cuộc giới thiệu tên tuổi của 75 nghệ sĩ khác. Những đứa con tinh thần của 12/75 nghệ sĩ này đã thực hiện hành trình lan tỏa từ Saatchi Gallery, đến Singapore trước khi trở lại quê nhà ở Bảo tàng Nghệ thuật Seoul và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.
Gần 10 năm kể từ ngày bắt đầu, mục tiên tạo bệ phóng cho các nghệ sĩ đương đại mới ở châu Á dần được hiện thực hóa thông qua các quyển sách, triển lãm và những giải thưởng thường niên. “Global Eye Programme” đã mở ra một loạt dự án nghệ thuật và xây dựng thương hiệu của các quốc gia và vùng lãnh thổ: “Indonesian Eye, Hong Kong Eye, Malaysian Eye, Singapore Eye, Thailand Eye”. Và đích đến tiếp theo trong hành trình khám phá nghệ thuật đương đại châu Á mà ông David cùng các cộng sự đang hướng đến là “Vietnam Eye”.
“Tôi đến đây, Việt Nam”
Dự án hai năm của “Global Eye Programme” tại Việt Nam khởi động với cuốn sách “Vietnam Eye” dự kiến được cấp phép xuất bản vào tháng 11/2016 sẽ là hành trình tìm hiểu và giới thiệu về nghệ thuật đương đại của mảnh đất hình chữ S, bắt đầu từ Hà Nội và kết thúc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ về những kế hoạch cho “Vietnam Eye”, ông David nói: “Tôi không biết vì sao lại chọn Việt Nam trong số các thị trường nghệ thuật khác.
Ông David Ciclitira, người say mê giúp các nghệ sĩ đương đại kể những câu chuyện đời thường. |
Tôi chỉ đơn giản là muốn đến Việt Nam. Đây là mảnh đất có nhiều nghệ sĩ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một quyển sách hay giới thiệu về nghệ thuật đương đại của Việt Nam… Vợ tôi rất hào hứng đến với Việt Nam và tôi cũng thế”. 59 tuổi, ông David vẫn say sưa và nhiệt huyết nói về những dự định cho dự án sắp sửa được triển khai tại Việt Nam. Thừa nhận chưa thực sự hiểu về mảnh đất này ngoài việc nơi đây có thức ăn ngon và nghệ sĩ giỏi, ông David cam kết sẽ tiếp tục dày công nghiên cứu. “Tôi không biết những nghệ sĩ nào sẽ được lựa chọn. Chúng tôi sẽ tìm kiếm họ. Ở đây tôi không nói đến bất kì cá nhân nào mà là cả một tập hợp”, ông David khẳng định.
Các giải “Eye Award” thường niên là sự ghi nhận dành cho các nghệ sĩ mới xuất sắc nhất ở các hạng mục Digital/Video, sắp đặt, tranh, nhiếp ảnh, điêu khắc… Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của năm sẽ nhận giải thưởng tiền mặt 50.000 USD và được tổ chức một cuộc triển lãm độc lập tại START, Saatchi Gallery (London, Anh). |
Không dừng lại đơn thuần là một dự án phát triển và quảng bá nghệ thuật đương đại địa phương, ông David cho hay chương trình còn nhắm đến mục tiêu giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng chính hình mẫu của những nghệ sĩ bản địa. “Một nghệ sĩ Malaysia tham gia dự án từng nói với tôi cậu ấy không biết phải diễn tả thế nào thứ cảm xúc khi được gia đình công nhận là một nghệ sĩ bởi trước đó, họ muốn cậu ấy trở thành một bác sĩ, rồi họ muốn cậu ấy là một luật sư”, ông David nhớ lại. Theo ông, việc phát triển nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện phát triển của một đất nước bởi văn hóa của một quốc gia được phản ánh chính bằng nghệ thuật. Thưởng thức ẩm thực là con đường dễ đi để hiểu một đất nước. Nhưng thứ thú vị nhất lại là được gặp gỡ và trải nghiệm cùng các nghệ sĩ địa phương. “Và tôi nghĩ đại sứ của nghệ thuật đương đại chính là các nghệ sĩ đương đại”, ông David nói.
Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng sau cùng, ai là người được hưởng lợi từ chương trình này, ông David khẳng định: “Tất cả mọi người”. Trước tiên là các nghệ sĩ trên phương diện sự nghiệp, sau đó là chính phủ trên khía cạnh thương hiệu quốc gia. “Vợ chồng tôi được hưởng lợi vì yêu thích và thấy vui khi làm công việc này. Báo chí đưa tin. Các nhà sưu tầm được khám phá tác phẩm mới. Còn các phòng tranh có sản phẩm để trưng bày…”, ông David kết luận.