Phác thảo Bùi Đức Tuấn qua “nhành lá xanh”

17 năm trước, trong một đêm hè ngợp gió trăng ở hồ Vĩnh Tuy lồng lộng, trên mạn thuyền bày sẵn một mâm thịnh soạn; Tuấn uống đã ngà ngà; anh dộng cái vỏ chai xuống mạn thuyền; tai đỏ lên vì xúc động; đứng dậy, cắp con sào vào nách lấy thăng bằng; rồi sang sảng đọc: “Trăng nghiêng chảy ánh xuống trần/Bao la trăng rải muôn phần nước non/Khuya về đỉnh núi chon von/Ánh trăng kết tóc sắt son lời thề”… Hốt nhiên tôi cứ ngỡ đây là một cảnh trong Đường thi, hay chí ít cũng phảng phất không gian nhuộm màu “Tam quốc”. Tuấn cứ như tráng sĩ ra trận; chắc có lẽ anh nhớ một đêm trên biển hồ; một khúc sông Kông - Pông - Chàm trên đất Campuchia, nhớ những ngày máu lửa… tôi nhìn lên, làng xóm Vĩnh Tuy chìm trong sương bạc, phía đông mờ mờ rú Tháp, phía nam lồ lộ dải động thờ, một vùng sông nước mênh mang ký ức…

Đêm ấy, tôi bỗng thấy se lòng, thương đời và thương cho mình, thương cho những đứa làm thơ gặp thời mạt vận; mà đời cũng lạ, một người từng trải như Tuấn, mà lại hồn nhiên, trong khi tôi, bó buộc trong cảnh ẩn dật lại trở nên già nua đến lạ. Đọc những câu này “Có một nhành lá xanh/ Có một bầu trời biếc/ Có miền quê tha thiết/ Là tình em trong anh…” xin thưa những câu ấy viết giữa chiến trường, ở trong máu lửa đấy; mà sao yên tĩnh lạ; giữa một thời thi ca toàn rặt chuyện anh anh, em em, buồn thương nhớ, tiếc thì thơ Tuấn biệt một giọng lạ lùng. Giọng trữ tình công dân, vững vàng, yên tĩnh, có trách nhiệm với đời, nhưng không mất vẻ lãng mạn và yên tĩnh: “Rắn rỏi bước chân giữa đồi hoa núi/ Nâng nhành sim nhớ áo tím quê nhà/ Đôi vai tím nhấp nhô trên triền đá/Trái tim hồng thắp sáng phía trời xa…” Sau này khi đã có tuổi, anh thường hay có những chuyến tham quan, các di tích, các đồng đội, những lúc ấy, những vui chung tạm lắng; thơ anh se lại: “Nay mộ đâu và bạn ơi có biết/ Tiếng tha thiết chiều nào còn mãi giữa mùa xuân”… hoặc anh viết về danh nhân cũng có những ngày trăn trở khác người: “Hạt ngọc đem gieo giữa cát lầm/ Cảo thơm còn đó ngát hương trầm/ Nguyễn truyền tâm huyết vào ngôn ngữ/ Mưa nắng làm sao nhạt chữ tâm”… Bài thơ 4 câu trên được nhà thơ Phạm Thùy Vinh, Trưởng ban Nghệ An cuối tuần; chọn trên Nghệ An số đặc biệt kỷ niệm sự kiện chùa Gám đặt tượng Phật đại an quốc. 


Đức Tuấn, chính tên Bùi Đức Tuấn, sinh tuổi Kỷ Hợi (1959); bản quán xã Viên Thành, Yên Thành, Nghệ An, hội viên Hội văn học nghệ thuật Nghệ An, chuyên ngành thơ, từng qua trường cao đẳng Quân sự chính trị, lăn lộn trong lửa đạn ở Campuchia thời đánh Pôn Pốt… rồi về quê với chế độ bệnh binh. Giã từ giấc mơ tráng sĩ, Tuấn về với cơm áo gạo tiền, anh làm đủ nghề để kiếm sống, chụp ảnh, làm bảo hiểm nhân thọ, làm công tác hội CCB, hội nạn nhân chất độc màu da cam, viết báo, làm thơ, kiếm sống. Có lúc anh đã buồn chán, nhất là sau vụ tai nạn đau đớn: “Ai khép lại cuộc đời/ Cũng mong đầu hướng núi”. Rồi Tuấn liên tưởng “… Mẹ gục đầu bên nấm mộ/ Mái tóc già xõa trắng màu bông/ Trong vòng tay ôm chặt một tấm bia/ Như thuở ôm vào lòng đứa con bé nhỏ”; đó là cảnh chiều nghĩa trang, mẹ liệt sĩ khóc con. Vậy những người như anh, may mắn còn được sống, Tuấn lại gượng đứng dậy: “Nỗi buồn như cỏ dại/ Um tùm chẳng bón chăm/ Úa tàn rồi xanh lại/ Cần cuốc phạt dao băm” và nhìn đời vẫn con mắt hồn nhiên. Ở tập thơ trước anh từng viết: “Đất nước dáng thư sinh trên quả địa cầu/ Câu thơ thầy thao thức với cỏ cây”, cái bản đồ Việt Nam cong cong hình chữ S. 

Vậy mà anh lại bảo: “Đất nước dáng thư sinh” thì cũng lạ đời… Mà có lẽ anh hình dung ra cái đất nước này trong chuyện học, bản thân anh cũng từng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng chẳng được làm thầy mà đi thẳng vào khói lửa chiến tranh; “Mảnh đất chiến trường khét lẹt bom rung/ Ngưng tiếng súng ta đung đưa lưng trời cánh võng…”, có lẽ trên cánh võng ở chiến trường anh lại mơ về một lớp học “giấy nứa xám trơn/Chữ liêu xiêu đêm lạnh/ Mải miết học bài, mơ ước đón ngày mai…”. Đọc kĩ thơ Bùi Đức Tuấn thấy khi hiện tại buồn tủi, anh hay quay về quá khứ, ở đó có hai nguồn cảm hứng hội tụ trong anh; bầu bạn chiến trường và tình yêu đôi lứa.

Bạn của Tuấn có người nay đã thành thiếu tướng như: Nguyễn Sĩ Hội, khi vị tướng này trong một lần gặp mặt đã trân trọng tặng anh mũ và giày da, kỷ niệm ấy, dội ngược về ký ức. “Quà đồng đội gợi nhớ thủa rừng K/Vào mùa khô ta băng qua cả trời bụi đỏ/ Vào mùa mưa suối gầm như thác đổ/Cho điệu múa lăm thôn như lửa bập bùng”, trong anh chợt buồn tủi; anh nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm, nhớ một người nữ thanh niên xung phong Truông Bồn, nhớ những liệt sĩ phá bom ở quê anh, thân xác đã tan vào đất mẹ: “Bom nổ rung trời, tuôn mưa lệ/Anh Vũ, anh Bính, anh Xuân/ Xương dọc là chân, xương ngang là sườn… chia phần ba nấm mộ/ Tổ ba người góp mùa xuân quê hương…” Đó là niềm vui, nỗi đau cũng là niềm an ủi; những người lính như anh có một quá khứ trong lành, để khi cần, tìm về đó nương mình mà đứng dậy… cũng như trong tình yêu; nhìn những người lính trẻ bây giờ, anh biết nói hộ cho lòng họ: “Khi anh đóng quân đảo chìm, đảo nổi/ Em nối liền sợi nhớ sợi thương”.

Đức Tuấn bỗng thương cho ký ức của mình: “Trọn mười năm tôi đi đánh giặc/ Chập chờn/ Đôi má em có lúm đồng tiền…”; lòng anh se sắt: “Hai lăm năm lụp xụp một căn nhà/ Em vẫn ngóng trông hút đường quốc lộ”; một thoáng kỷ niệm hiện về. “Có một thời trên cánh đồng bất tận/ Thoăn thoắt bàn tay em, cây lúa đứng thẳng hàng…” và anh nhớ một tia “Chớp”; “Khoảnh khắc bất ngờ ánh mắt trao duyên/Như tia chớp lời yêu vụt tới…”; những kỷ niệm ấy đã để lại. “Những đêm trăng hao gầy/ Khóe mắt soi bốn phía…”. Nhưng tình yêu ấy cũng như mạch nguồn trong quá khứ, mong sao sẽ đắp bồi cho hiện tại được bình yên: “Nước hòa trong nước vơi đầy/ Cho đêm khép lại cho ngày mở ra”. Tình yêu, tình bạn mãi là ánh trăng rừng đẹp đẽ, ám ảnh, nâng bước cho tương lai: “Giặc tan trở lại đường quê/Nhớ sao một thuở đam mê trăng rừng”…

Ở ngoài tuổi “Tri thiên mệnh”; sau các tác phẩm đã in như: “Nắng quê hương”; “Niềm tin sáng mãi” (in chung)… Sau một số giải thưởng có giá trị, Đức Tuấn đã gom lại được một tập thơ in riêng thứ 2 này: với tên gọi: “Nhành lá xanh”; Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2014; 5 bài thơ trong tập này đã được các nhạc sĩ: Phan Đăng Hải, Nguyễn Hữu Đào… phổ nhạc; điều đó chứng tỏ rằng ngoài yếu tố trữ tình, công dân thơ Đức Tuấn tiềm ẩn mạch nguồn của dân ca, vần điệu, câu từ uyển chuyển, có sức truyền cảm lâu dài.


Trần Ngọc Khánh
Khai thác tiềm năng,  phát triển du lịch biển đảo
Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch biển đảo

Nghệ An có tài nguyên du lịch biển đảo phong phú, ưu thế hơn so với nhiều tỉnh, thành phố có biển ở nước ta. Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, môi trường trong lành, Nghệ An đã và đang khai thác để phát triển thành các điểm du lịch hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN