Phát huy các di sản văn hóa

Tỉnh Gia Lai coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chủ yếu là các di sản văn hóa dân gian và di tích lịch sử. Các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ, trùng tu, phục dựng, phổ biến các hình thức sinh hoạt dân gian truyền thống... được thực hiện đã từng bước nâng cao ý thức giữ gìn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là 2 dân tộc bản địa người Bahnar và J'rai.

Lễ trao chứng nhận Sử thi của người Bahnar cho huyện Đak Đoa, huyện Đak Pơ, huyện Kbang, huyện Kông Chro (Gia Lai) đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hoài Nam-TTXVN


Số lượng hiện vật, di tích, di chỉ khảo cổ trên địa bàn được tỉnh Gia Lai ưu tiên đầu tư nghiên cứu, khai thác hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2003, toàn tỉnh có 37 di tích lịch sử, 26 di chỉ khảo cổ, 373 hiện vật trưng bày và gần 6.000 hiện vật lưu giữ trong kho bảo tàng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 7.300 hiện vật được sưu tầm, bảo quản, trưng bày gồm hiện vật khảo cổ học, hiện vật dân tộc học và hiện vật lịch sử của địa phương. 

Hơn 40 di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã và đang được trùng tu, trong đó có 13 di tích được công nhận là di tích quốc gia, 4 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh; hơn 30 di chỉ khảo cổ được khảo sát, trong đó có 7 di chỉ mới khai quật. Nhiều công trình có giá trị lịch sử đã được tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng và trùng tu như Nhà truyền thống Tây Sơn thượng đạo (An Khê), Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (K'Bang), Tượng đài chiến thắng Đăk Pơ, di tích Plei Ơi (Phú Thiện), làng Văn hóa dân tộc của người Bahnar và J'rai... Đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa mà còn là những điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan.

Hồ T’Nưng hay còn gọi là Biển Hồ luôn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách mỗi khi đến Gia Lai. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Loại hình văn hóa cồng chiêng của các tộc người Bahnar và J'rai luôn được tỉnh Gia Lai giữ gìn và phát huy giá trị trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Hiện nay, toàn tỉnh còn lưu giữ đến hơn 6.000 bộ cồng chiêng, trong đó có khá nhiều bộ cồng chiêng cổ có giá trị lớn mà người dân tộc coi đây là tài sản vô giá đối với dòng tộc của mình; nhiều hộ gia đình còn sở hữu đến vài ba bộ cồng chiêng cổ này. Phong trào dạy gõ chiêng, chỉnh chiêng... cho lớp trẻ ở các buôn làng đang phát triển mạnh; không chỉ người lớn tuổi mà những trai làng và các cháu nhỏ cũng biết gõ chiêng một cách thuần thục.

Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có hơn 20 nghệ nhân sử thi Bahnar tiêu biểu, đang sinh sống tại các làng của huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang và Kông Chro. Họ chính là những người đang sở hữu khoảng 70 tác phẩm sử thi dân gian của dân tộc mình. Nhiều câu chuyện trong số đó đã được khảo sát, sưu tầm và công bố như sử thi Dyông Dư, Dăm Noi, Diớ hao jrang, Bia Brâu, Atâu So Hle Kơne Gơseng, Diông Trong Yuăn.

Để thu hút du khách đến thăm quan, du lịch, phụ nữ ở một số buôn làng không chỉ biết múa Xoang đẹp mà chơi chiêng cũng khá hay. Ngoài việc sử dụng cồng chiêng tại các buôn làng trong các ngày lễ hội, các đội cồng chiêng ở Gia Lai còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, du khách đến với Gia Lai tăng lên đáng kể. Từ đó ý thức bảo vệ gìn giữ di sản của cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn được nâng cao rõ rệt. Người dân không chỉ lưu giữ loại hình cồng chiêng tốt mà còn có ý thức truyền dạy cho thế hệ con cháu biết gõ chiêng, biết chỉnh chiêng, không để giá trị của loại hình văn hóa này bị mai một.

Mới đây, Sử thi của người Bahnar đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tín hiệu tốt để du khách đến với Gia Lai tăng lên. Điều này thêm một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Sử thi của người Bahnar là những câu chuyện dài, có khi đến dăm bảy đêm hát kể; nội dung là những chiến công kì vĩ của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử, dưới hình thức những huyền thoại.

Văn Thông
Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn
Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên và các hãng lữ hành tiếp tục triển khai chuỗi các hoạt động hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa, xúc tiến phát triển du lịch tại các thành phố trọng điểm trong vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN