Trong khó khăn thách thức, ngành du lịch cần thể hiện rõ bản lĩnh cũng như năng lực ứng phó để vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững để kỳ vọng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Phát huy những mô hình phát triển bền vững
Đối với các doanh nghiệp du lịch, tôi mong muốn lực lượng này cần chung tiếng nói, hành động, giải pháp để những sáng kiến, cách làm hay được cổ vũ, phát huy, những mô hình phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng cần được lan tỏa rộng rãi, không hành động vì lợi ích riêng mà phải hướng tới cái chung to lớn hơn, vì sự phát triển của ngành du lịch và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung.
Tôi cũng kêu gọi mỗi người Việt Nam cần thể hiện lòng yêu nước, tự trọng dân tộc, trách nhiệm với cha ông và với tương lai bằng những việc làm cụ thể dù là nhỏ nhất nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với du khách quốc tế. Việc nâng cao nhận thức về du lịch ở nước ta đã được chú trọng nhưng nhận thức phải thực sự là sự trăn trở, thôi thúc thì mới biến thành hành động thiết thực, tìm ra giải pháp giúp du lịch Việt Nam vượt qua thách thức, khó khăn, lực cản và sức ỳ...
Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương: Khắc phục tình trạng khách "một đi không trở lại"
Nhằm khắc phục tình trạng khách du lịch chỉ đến một lần và không trở lại cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân hướng đến xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Việc "chặt chém" khách du lịch, môi trường vệ sinh, thực phẩm thiếu an toàn... hiện đang là "căn bệnh" mãn tính, cần có sự chung tay cả cộng đồng để du lịch Việt Nam phát triển.
Du khách nước ngoài thưởng thức rượu cần, sản phẩm du lịch đặc sắc ở buôn Akô Dhông, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. |
Có thể tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tạo hiệu quả nhanh. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương. Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được thông điệp: Du lịch phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho người làm công tác này mà mang lại lợi ích cho mỗi người Việt Nam. Đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan, người dân cũng cần được tuyên truyền để nhận thức rõ thực phẩm sạch, môi trường trong lành là phục vụ cho chính bản thân mình chứ không chỉ khách du lịch.
Ông Y Pin Bing, Buôn Akô Dhông, Buôn Ma Thuột: Giữ gìn văn hóa cồng chiêng
Dù nhận thức rất rõ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để thu hút du khách đến tham quan du lịch nhưng cái khó của đồng bào là khó khăn về kinh tế. Muốn họ giữ nét văn hóa đặc trưng cồng chiêng thì phải có nhà sàn, vì nếu nhà sàn không còn thì văn hóa truyền thống sẽ mai một.
Hiện nay trong mỗi gia đình đồng bào Ê đê, gia đình nào cũng có cồng chiêng. Tùy theo điều kiện của mỗi nhà mà có ít hay nhiều. Chơi cồng chiêng đòi hỏi phải hiểu văn hóa cồng chiêng, nghiên cứu về cồng chiêng. Hiện nay, mỗi tuần gia đình tôi tiếp đón từ 1-2 đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan và nghe chơi cồng chiêng. Mục đích của mình là giới thiệu văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình tới các đoàn du lịch để họ hiểu về văn hóa Tây Nguyên, họ thấy vui, họ thích thì họ ở lại. Trước những năm 2000, tôi cũng có tham gia các tour du lịch chơi cồng chiêng, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao nên mình về nghiên cứu và tự bỏ tiền ra xây dựng nhà sàn, sưu tầm những bộ chiêng quí để bảo tồn văn hóa cồng chiêng phục vụ khách du lịch.
Trước đây do chưa nhận thức hết giá trị văn hóa của cồng chiêng, nhiều người Ê đê chưa biết quí trọng văn hóa của họ nên đã nhẹ dạ, cả tin, bán đi những bộ cồng, chiêng cổ mà không dễ gì có tiền đã mua được. Bởi thế mới xảy ra nạn chảy máu đồ cổ, mất đi những bộ cồng chiêng quí. Từ đó tôi nảy ra ý định muốn chuyển tải văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho du khách hiểu được nét văn hóa của đồng bào Ê đê Tây Nguyên, mình phải sưu tầm, mở lớp dạy cho con trẻ cách chơi cồng chiêng và thành lập các nhóm chơi cồng chiêng ở trong buôn. Hàng tuần gia đình tổ chức chơi cồng chiêng để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, việc chơi cồng chiêng trong gia đình không chỉ là kinh doanh du lịch và còn giới thiệu nét văn hóa truyền thống tới du khách trong nước và quốc tế.
Chị Y Hiền, huyện Đắk Hà (Kon Tum): Ít điểm du lịch hấp dẫn
Huyện Đắk Hà hiện nay hầu như chưa có phát triển gì về du lịch, ít có khu du lịch và cũng chưa triển khai du lịch cộng đồng. Nhiều khi chúng tôi muốn nghỉ ngơi cũng phải đi xa. Thấy nhiều địa phương khác có khu du lịch, chúng tôi cũng rất muốn địa phương mình phát triển du lịch, để có du khách đến tham quan, từ đó đời sống của người dân chúng tôi sẽ tốt hơn nhờ bán các sản phẩm do bà con làm ra như dệt thổ cẩm, đan lát… Làng Kon Klok, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà có nghề dệt thổ cẩm rất đẹp, nhưng dệt ra sản phẩm không có người mua vì không có chỗ bán. Bà con phải đưa xuống tận nhà thờ gỗ ở Kon Tum, cách khoảng 25 km để tiêu thụ, nhiều du khách người nước ngoài thích và đã mua làm kỷ niệm.
Tôi nghĩ rằng Nhà nước nên phát triển du lịch Tây Nguyên, đưa khách du lịch về các làng nghề, các buôn làng văn hóa tham quan, tìm hiểu văn hóa của bà con dân tộc Ba Na, Xơ Đăng… Huyện đã có 2 di tích lịch sử là Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui-Đăk Pxi và Điểm cao 60, có rừng đặc dụng Đăk Uy và nhiều hồ chứa nước, có thể phát triển du lịch sinh thái của địa phương. Đến Đắk Hà, du khách ít có sự lựa chọn khu du lịch nổi tiếng, nên theo tôi cần đưa khách đến tham quan nhiều điểm du lịch khác trong tỉnh như khu du lịch sinh thái Măng Đen, Nhà thờ gỗ Kon Tum, di tích nhà ngục Kon Tum…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định
Hạ tầng giao thông, môi trường ứng xử trong văn minh du lịch, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực của nước ta hiện nay còn hạn chế. Nhận biết được vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Nghị quyết gồm 5 nhóm vấn đề, đang từng bước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong 7 tháng qua. Cần có thời gian để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Để thực hiện thành công các chính sách phát triển du lịch cần có nhận thức và hành động đúng, trong đó, vai trò của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định. Bài học thành công nhất là thành phố Đà Nẵng. Điều này thể hiện vấn đề: Chỉ khi nào chính quyền thực sự vào cuộc, nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.