Quảng bá giá trị văn hóa truyền thống
Đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao vô cùng phong phú với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian đã và đang được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như nghi Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc, Lễ hội Tết nhảy. Trong lao động sản xuất, người Dao có kỹ thuật làm nương rẫy, có nghề trồng bông, dệt vải nhuộm chàm, tạo ra những bộ trang phục thêu hoa văn độc đáo.
Đặc biệt, đồng bào Dao có một kho tàng tri thức về y học dân gian phong phú, những bài thuốc quý đã và đang được bảo tồn, lưu truyền hiệu quả. Trong kho tàng dân ca, dân vũ, hát Páo Dung cũng là vốn quý của đồng bào Dao thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng, đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Nghệ thuật hát Páo Dung của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những ngày đầu tháng 10/2022, đồng bào dân tộc Dao từ 14 tỉnh, thành phố gồm Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ và Thanh Hoá đã tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc tại Thái Nguyên. Đây là sự kiện văn hóa lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp gặp mặt, trao đổi, giao lưu, hiểu biết các di sản văn hóa phong phú của người Dao, giữa các ngành Dao với nhau và với các dân tộc khác.
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ: Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022 là Ngày hội đoàn kết, ngày hội của đa dạng văn hóa với sự tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay của các ngành Dao, phản ánh sự đặc sắc, đa dạng văn hóa tộc người.
Các nhóm người Dao đã mang về Ngày hội những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của cộng đồng mình. Trong đó, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh mang tới 6 tiết mục giới thiệu nét đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các dòng họ dân tộc Dao Thanh Y, Thanh Phán, Lô Gang ở huyện miền núi Ba Chẽ. Đó là các tiết mục: "Múa bắt Rùa" của người Dao Thanh Phán; hát giao duyên "Mùa xuân đến" với phần thể hiện của 2 nghệ nhân Triệu Thị Phương, Triệu Tắc Dảu và nhóm phụ họa. Cùng với đó là trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y; hòa tấu kèn đồng mừng đám cưới của người Dao Lô Gang. Đặc biệt là tiết mục múa Rồng của người Dao Thanh Y - một bài múa quan trọng trong lễ cấp sắc; diễn trích đoạn nghi thức cúng Bàn Vương…
Đoàn nghệ thuật quần chúng gồm 22 người thuộc nhóm Dao Quần Chẹt xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, lại mang đến màm múa bát, múa rùa, tái hiện lễ cấp sắc, hát dân ca. Trưởng đoàn đại diện nhóm nghệ thuật quần chúng Trương Thị Thu Mai cho biết, để trình diễn, các thành viên trong đoàn đã tập luyện hơn 1 tháng, tự biên tự diễn với tinh thần là những nét đặc sắc nhất trong sinh hoạt hàng ngày, lễ hội đều được biểu hiện trong các tiết mục.
Đây là lần thứ 2 chị Triệu Thị Thu Mai tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc. Chị bảo, cả đoàn rất vui vì được hội tụ, gặp gỡ với các nhóm khác trong cộng đồng dân tộc Dao, học hỏi được nhiều điều trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Điều đáng mừng là qua Ngày hội có thể thấy những nét văn hóa độc đáo riêng có nhất của cộng đồng người Dao trên khắp đất nước không hề bị mai một mà luôn được bồi dắp, trao truyền qua nhiều thế hệ, nhất là với những người trẻ tuổi. Cũng chính bởi thế mà các thế hệ người Dao đều ý thức về truyền thống, không để mai một bản sắc dân tộc mình.
Nghệ nhân Trịnh Tiến Phong cùng tốp nhạc nhóm Dao Thanh Phán đến từ thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trình tấu kèn Pí Lè trích trong nghi lễ rước dâu, mang đến những âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc da diết tình cảm như tiếng lòng của con người với con người, trời đất, thiên nhiên. Nghệ nhân Trịnh Tiến Phong cho hay, kèn Pí Lè được người Dao coi như báu vật, thường được sử dụng vào dịp lễ hội truyền thống, lễ cúng thần lúa, thần rừng, cầu may, cưới hỏi, Tết...
Khi xưa, các bậc tiên tổ có thể thổi được 72 giai điệu, nhưng nay con cháu chỉ còn thổi được 15-16 giai điệu. Mỗi giai điệu thể hiện tâm trạng, ý nghĩa khác nhau, ví dụ như trong lễ cưới thì vui tươi, rộn rã; đám tang thì nỉ non, buồn tẻ. Âm nhạc trong lễ cấp sắc cũng rất đa dạng, có khi rất trầm lắng, có khi lại sôi động, vui nhộn. Tiếng kèn vang lên cũng là lời nhắc nhở con cháu Bàn Vương về việc gìn giữ bản sắc nguồn cội...
Rực rỡ sắc màu trang phục người Dao
Sự đa dạng văn hóa, rực rỡ sắc mầu không chỉ thể hiện trong các tiết mục văn nghệ quần chúng, triển lãm, trích đoạn lễ hội, ẩm thực… mà còn in đậm ở nụ cười, niềm tự hào của con cháu Bàn Vương, tình đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Dao tụ hội cũng là cơ hội để bà con các dân tộc khác được chiêm ngưỡng những bộ trang phục đậm chất truyền thống. Đây chính là một yếu tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa cũng như phân biệt từng nhóm người Dao.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trang phục của người Dao rất đa dạng, phong phú với khoảng 25 loại hình, là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, các in ấn. Mỗi nhóm người Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ và thường do các bà, các mẹ dạy con gái từ khi còn tấm bé. Các cô gái người Dao đều hầu như tự tay mình làm ra bộ trang phục đẹp, rực rỡ nhất, cầu kì nhất là khăn mũ trùm đầu để diện trong ngày cưới hay lễ hội. Cuộc sống hiện đại ngày nay, người Dao, nhất là giới trẻ không mặc trang phục dân tộc thường xuyên, nhưng ít nhất trong dịp lễ, Tết hay khi con gái đi lấy chồng vẫn phải có một bộ trang phục mới, đẹp đẽ.
Chị Triệu Thị Thu Mai, đồng bào Dao từ Cẩm Thủy, Thanh Hóa, chia sẻ: Cùng là Dao Quần Chẹt nhưng nếu sinh sống ở những nơi khác nhau thì trang phục cũng có nét khác nhau về họa tiết, khăn vấn đầu và vị trí đeo xà tích. Ví dụ như nhóm Dao của xã Cẩm Liên có ưu điểm là xà tích đeo phía sau lưng chứ không ở trước; khăn vấn đầu cũng khác nhau. Ở xã Cẩm Liên, đồng bào Dao vẫn mặc trang phục truyền thống hàng ngày, kể cả trẻ con, còn ngày lễ thì mặc bội khác, rực rỡ hơn, đẹp hơn.
Đều đáng nói là đồng bào Dao, nhất là phụ nữ đều tự tay may trang phục cho mình cùng gia đình theo phương pháp thủ công truyền thống, từ nhuộm chàm đến thêu họa tiết, in ấn. Nếu chỉ riêng áo, người thêu giỏi cũng phải mất 1 tháng mới xong. Còn nếu cả bộ quần áo và khăn cũng phải nửa năm. Riêng mũ đội đầu cho cô dâu thường phải mất vài tháng mới hoàn thành vì khăn này dùng trong ngày đặc biệt, có rất nhiều họa tiết khác nhau.
Chị Triệu Thị Tròn, nhóm Dao Tiền đến từ Phú Thọ chia sẻ, với trang phục của người Dao Tiền, áo phải mất một tháng may vá thêu thùa, váy thì mất 5 - 7 ngày, còn khăn, thắt lưng làm liên tục không nghỉ cũng phải mất 7 - 10 ngày. Trong đó, hoa văn trên váy được in bằng sáp ong trên nền vải trắng, xong xuôi mới tiến hành nhuộm chàm đen cho đều màu. Rồi các bà, các mẹ lại đun nước sôi, luộc phần in sáp ong cho sáp chảy ra, tạo thành hoa văn rất rõ nét, đều tăm tắp trên váy...
Trong số các nhóm người Dao, trang phục của đồng bào Dao đỏ được đánh giá là rực rỡ, thu hút và cầu kỳ, nghệ thuật nhất. Năm 2020, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa: Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản là đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Khăn đội đầu là đồ dùng không thể thiếu của phụ nữ Dao đỏ, được trang trí bằng nhiều họa tiết như cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ...
Tuy cùng là nhóm Dao đỏ nhưng trang phục của các nhóm địa phương khác nhau cũng có khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết. Cụ thể, trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực, nhưng số lượng, kích cỡ của quả bông lại khác. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (huyện Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn.
Dù có khác nhau, nhưng quan trọng là tất cả trang phục đều được làm thủ công để giữ lại những nét độc đáo nhất của từng tộc người… Điều này là rất quan trọng bởi đồng bào là chủ nhân của di sản, họ trực tiếp tham gia bảo vệ, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc mình cũng là đóng góp tích cực vào công cuộc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định: Văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc anh em trên nguyên tắc văn hóa không có sự cao hay thấp, nhỏ hay lớn, mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn...
Bài cuối: Giải bài toán bảo tồn - phát triển