Dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà quản lý văn hóa của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện khảo cổ học, Viện Sử học, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Các đại biểu dự hội thảo đánh giá cao công tác khai quật nghiên cứu khảo cổ học di tích Cố đô Hoa Lư và các địa điểm mộ gạch Đền Hạ, Đồi Cò, Đồi Chùa ở các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn. Đây là công việc cụ thể góp phần thực hiện nhiệm vụ chung bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên đất Ninh Bình. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận nhiều địa điểm phân bố mộ gạch ở khu vực ngã ba sông Bôi thuộc hai huyện Nho Quan, Gia Viễn. Đây là những chứng tích cụ thể chứng minh trước khi hình thành Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X, vùng đất Ninh Bình xưa đã từng có một trị sở có quy mô thời Bắc thuộc, với những quan lại cấp cao từng trị nhậm ở vùng đất này.
Kết quả cụ thể, tại di tích Cố đô Hoa Lư, đoàn khai quật đã mở 5 hố khai quật và 3 hố thăm dò, tổng diện tích 300 m2, kết quả đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau tại nhiều vị trí; nhiều di vật là vật liệu xây dựng và đồ gia dụng được phát lộ đã phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và sau đó là Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X.
Tại các địa điểm mộ gạch ở Nho Quan và Gia Viễn, kết quả nghiên cứu ban đầu ghi nhận đây là những ngôi mộ thời Đông Hán, minh chứng cho trình độ phát triển không chỉ về văn hóa, kinh tế mà còn cả về mặt chính trị. Điều này có thể lý giải cho sự hình thành, phát triển vượt bậc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc thành lập và phát triển Kinh đô Hoa Lư sau này.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, dấu tích nền móng kiến trúc xuất lộ trong các hố khai quật cho phép khẳng định, từ các di tích mộ gạch phân bố quanh ngã ba sông Bôi - sông Hoàng Long từ đầu Công nguyên cho đến các dấu tích di tích, di vật thời Đại La ở Cố đô Hoa Lư đều ghi nhận, vùng đất Ninh Bình xưa đã được các triều đại phong kiến phương Bắc quan tâm để ý từ rất sớm. Các dấu tích nền móng kiến trúc xuất lộ trong các hố khai quật tại khu di tích Cố đô Hoa Lư có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Đinh - Tiền Lê lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X. Kết quả nghiên cứu ở Cố đô Hoa Lư bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của các chuyên gia từ trước đến nay....
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu tại khu vực trên, đoàn công tác đề nghị được giữ nguyên hiện trạng di tích Cố đô Hoa Lư khu vực từ Ngòi Chẹm đến cánh đồng Nội Trong phục vụ nghiên cứu khảo cổ học với tổng diện tích phân bố khoảng 40 ha, hiện chỉ có 10 ha là diện tích đất di tích được bảo vệ, phần đất còn lại chủ yếu thuộc khu cánh đồng Nội Trong, là khu đất thổ canh, thổ cư, đất nghĩa trang và đất dịch vụ du lịch, trong đó có nhiều diện tích bị đào múc xâm hại.
Đoàn đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan điều chỉnh Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chi tiết bảo tồn - tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt năm 2009 để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài theo hướng bền vững; tiếp tục khai quật làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng... các kiến trúc trong các hố khai quật vừa qua tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.