Sau 3 tháng tiến hành khai quật khảo cổ di tích Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), kết quả thu được từ đợt khai quật này gây bất ngờ về một di tích Chăm độc đáo, từng tồn tại nơi đây. Qua khai quật 500m2, đã phát hiện hơn 600 di vật gạch, đá, ngói, đồ gốm, sa thạch… có niên đại trên dưới 1.000 năm tuổi.
Trưng bày một số hiện vật khai quật tại khu vực Chăm Cấm Mít. Ảnh: ictdanang.vn |
Kết quả khảo sát cho thấy, di tích đền tháp Chămpa được xác định niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến XIV, được xây dựng ngoài chức năng là đền- tháp thờ các vị thần Hindu giáo còn có tính chất là một tháp mộ, lưu giữ tro cốt và thờ tự tổ tiên. Với 3 khu vực tiến hành khai quật cùng nhiều hố thám sát, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu vết nền móng kiến trúc của hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp Cổng, nhà Dài và hệ thống đường đi…Hệ thống kiến trúc có bố cục; trung tâm là tháp Giữa, phía bắc có tháp Bắc, phía nam có tháp Nam, phía đông có tháp Cổng và Nhà dài. Toàn bộ hệ thống kiến trúc đều hướng về phía đông. Hố thiêng được xây dựng ở trung tâm đền tháp, mặt cắt dọc hình thang cân ngược, đáy lớn 2,7 x 2,7m, đáy nhỏ 2 x 2m, cao 1,2m. Thành hố xây vát taluy bằng gạch vỡ, đất laterite, đất sét trộn nhựa thực vật. Trong hố còn một số hạt thủy tinh và thạch anh nhỏ. Kết quả khai quật, ngoài việc làm rõ bố cục tổng thể của khối di tích và mặt bằng các đơn nguyên kiến trúc còn phát hiện số lượng hiện vật có giá trị nghiên cứu và trưng bày, gồm các nhóm vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, tympan, đồ gốm…
Theo các nhà chuyên môn, việc làm rõ được mặt bằng của cả 3 tháp chính cùng tháp Cổng, nhà Dài tại Cẩm Mít được coi là phát hiện hiếm hoi ẩn chứa nhiều thông tin cần tiếp tục được tìm hiểu, khám phá. Sự hoàn thiện về bố cục, quy mô, cấu trúc của mặt bằng di tích qua nhiều giai đoạn chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực đền tháp này trong tâm thức cư dân Chămpa lúc bấy giờ. Song, sự nghèo nàn của các sản phẩm điêu khắc đá cũng như sự vắng mặt của tượng đá cho thấy đây là một khu đền tháp mang yếu tố và phong cách địa phương, nơi giáp ranh giữa miền xuôi và miền ngược.
Việc khai quật di tích Cấm Mít cho thấy, di tích Chăm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chứa đựng nhiều bí ẩn. Và những di tích Chăm khác như ở Xuân Dương, Quá Giáng vẫn đang chờ được khai quật, khám phá. Có thể nói, dù không còn các đền tháp đồ sộ trên mặt đất nhưng những di tích văn hóa Chăm ẩn trong lòng đất Đà Nẵng thì rất nhiều. Nếu biết khai thác đúng cách thì những di tích ấy sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho thành phố. Thời gian tới, các nhà nghiên cứu khảo cổ học sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu để sớm hoàn thiện bức tranh về một nền di tích Chămpa, đồng thời cung cấp những nhận thức mới trong công tác bảo tồn, giới thiệu và phát huy di sản văn hóa Chămpa trong khu vực.
Văn Sơn