Cứ đến tháng chạp âm lịch hàng năm, 120 hộ đồng bào Dao quần chẹt thôn Lục Liêu, xã Thanh Phát, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lại tất bật lựa chọn những loại lương thực, thực phẩm ngon nhất cùng những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để chuẩn bị ăn tết sớm.
Trong căn nhà gỗ 5 gian, ông Phùng Văn Nhất, 64 tuổi đang tiến hành những thủ tục cần thiết để chuẩn bị mâm cúng mời thần linh và tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi việc, ông Nhất tiếp chúng tôi với ánh mắt vui tươi và nụ cười rạng rỡ. Có lẽ chúng tôi là những người đầu tiên đến chung vui cùng gia đình ông Nhất trong dịp tết năm nay.
Theo ông Nhất, phong tục ăn tết sớm của người Dao quần chẹt ở xã Thanh Phát không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi ông Nhất còn nhỏ xíu, cứ đến tháng chạp âm lịch thì ông nội cùng những người trong gia đình ông lại chuẩn bị vật phẩm để ăn tết. Đến nay, người Dao quần chẹt ở thôn Lục Liêu vẫn giữ nguyên phong tục ăn tết sớm theo đúng trình tự truyền thống của tổ tiên.
Ông Nhất cho biết: Để hoàn tất một buổi cúng phải mất 2 tiếng rưỡi. Trong quá trình cúng không thể thiếu các bước như: cúng thỉnh tổ tiên 3 lần; cúng mời tổ tiên xuống xe; cúng xếp chỗ ngồi; cúng mời tổ tiên điểm qua các món ăn; cúng rót rượu mời… Trong ngôi nhà của người Dao quần chẹt phải có 2 bàn thờ, bàn thờ trên và bàn thờ dưới. Bàn thờ trên để cúng hương hỏa, các vị thần linh, tam thanh, tứ đế. Bàn thờ dưới để cúng những người mới mất. Những người trưởng thành đã làm lễ cấp sắc được cúng bàn thờ trên, người chưa làm lễ cấp sắc cúng bàn thờ dưới. Ngoài ra, các vật phẩm đặt trên mâm cúng phải để lẻ vì người Dao quần chẹt quan niệm rằng số lẻ là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Trước đây phải đến 15 tháng chạp âm lịch thì người Dao quần chẹt mới ăn tết. Nhưng giờ đây, vì điều kiện kinh tế khấm khá hơn nên đầu tháng chạp mọi người trong thôn đã bắt đầu ăn tết.
Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng đối với người Dao quần chẹt là vô cùng quan trọng. Một mâm cỗ không thể thiếu thủ lợn và bánh dày. Thủ lợn phải là lợn do gia đình nuôi theo cách truyền thống, không được nuôi bằng cám tăng trọng. Gạo nếp để làm bánh dày phải là loại gạo nếp nương thơm ngon nhất, gạo được đồ xôi thật dẻo rồi cho vào cối đá, sau đó các nam thanh niên khỏe mạnh sẽ dùng chày làm bằng cây tre tươi để giã nhuyễn, nhân bánh dày được chế biến từ vừng, lạc, đậu xanh do gia đình tự trồng, bánh được gói bằng lá chuối. Việc lựa chọn những sản vật một cách cầu kì như vậy để làm đồ cúng trong ngày tết của người Dao quần chẹt thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên, những người đã sinh ra mình và cầu mong các vị thần linh cùng tổ tiên phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành hơn năm cũ.
Năm nay, đồng bào Dao quần chẹt ở xã Thanh Phát tổ chức ăn tết to hơn mọi năm vì cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng khấm khá. Riêng nhà ông Nhất chuẩn bị một con lợn 60 kg, 20 kg gạo nếp làm bánh, 30 con gà cùng rượu ngon để mời con cháu, bạn bè đến ăn tết. Ông Nhất chia sẻ: Vì đời sống ngày càng được nâng cao nên mâm cơm ngày tết đầy đủ và vui vẻ hơn, ai cũng phấn khởi và nghĩ đến tương lai tươi sáng trước thềm năm mới.
Bà Đặng Thị Đạo, thôn Lộc Liêu chia sẻ: Trước đây do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mâm cỗ ngày tết cũng trở nên thiếu thốn. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho bà con tăng gia lao động sản xuất, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật canh tác nên năng suất và sản lượng ngày càng tăng cao, từ đó đời sống của người dân cũng được cải thiện.
Nhấp chén rượu ngô thơm phức, thưởng thức món thịt lợn vùng cao thơm ngậy, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của những người dân nơi đây khi có cuộc sống đủ đầy, no ấm cùng niềm tin về tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.
Quang Cường