Những chủ trương, chính sách vốn dĩ “khô khan” đã được lồng ghép một cách khéo léo và chuyển tải đến bà con thông qua hình thức nói lý, hát lý của đồng bào Cơ tu. Việc tái dựng lại nói lý, hát lý của người Cơ tu được Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Đông Giang phối hợp với các đơn vị cơ sở tổ chức thí điểm tại 3 thôn Bờ Hồng 1 (xã Sông Kôn), thôn Axanh 1 (xã Zà Hung) và thôn Éo (xã Ba) trong 3 ngày từ 14-16/11, nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống của ngành.
Nói lý, hát lý là hình thức ứng khẩu được dùng trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; trong các lễ hội, đám cưới, đám tang của người Cơ tu. Đặc biệt, trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình với bạn bè, xã hội, công việc… hay vấn đề nào đó khó dùng bằng lời thì người ta cũng dùng nói lý, hát lý để thấu hiểu nhau hơn. Già làng Bnướch Bao ở thôn Bờ Hôồng 1 cho biết, nói lý, hát lý có nguồn gốc từ cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Cơ tu và có từ rất lâu đời. Trong một buổi trò chuyện, chủ và khách cùng nói lý để lấy đà cho hát lý. Người nói lý, hát lý giỏi thì phải am hiểu bản chất của vấn đề mình nêu ra và có khả năng đối đáp nhanh. Nói lý, hát lý thường để ngầm phán ánh vấn đề tế nhị nào đấy, nhưng đặc biệt người Cơ Tu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát thiếu văn hóa hay gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Đông Giang cho biết, nói lý, hát lý là nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Cơ tu. Nói lý, hát lý của người Cơ tu có từ rất lâu đời, nhưng đây là lần đầu được tổ chức quy mô và gắn với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng. Đây là cơ hội để mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; góp công, góp đất trồng cây cao su; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn, học sinh không bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng; nói không với ma túy… Cũng thông qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ tu sẽ được duy trì và hình thành nếp sinh hoạt thường kỳ tại các thôn và các cụm xã.
H.Chung