Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật dân gian, tập trung chủ yếu ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, ra đời cùng nền văn minh lúa nước, là sản phẩm trí tuệ của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ, trở thành môn nghệ thuật truyền thống quý của người Việt Nam.
Vào thời Hậu Lê, làng Đào Xá (nay là Đào Thục), ông Đào Đăng Khiêm, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh sau khi đỗ Thám hoa được bổ nhiệm làm quan Tổng nội giám thuộc hàng quan Tam phẩm trong triều Lê. Ông cho xây dựng lò đúc tiền đồng cho nhà Vua, cải cách quy hoạch lại ruộng đất để trồng bông, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Với tâm huyết của mình ông đã thành lập các phường hội như: Phường võ, phường thầy, phường thợ, phường cối (các phường này hiện không còn nữa) và đặc biệt là phường rối nước. Như vậy, Phường múa rối nước Đào Thục đã có cách đây 300 năm và đến nay vẫn được bà con gìn giữ “lửa nghề”.
Phường rối nước Đào Thục hiện có gần 60 thành viên, gồm ba thế hệ. Nhiều gia đình, dòng họ coi múa rối nước như một báu vật, cha truyền con nối, có gia đình đã 4- 5 đời tham gia múa rối nước của làng. Rối Đào Thục độc đáo ở chỗ có thể quay 4 chiều, tùy theo người điều khiển là nội dung tích trò và điều khiển rối bằng que sào. Không chỉ diễn các tích trò dân gian truyền thống, ngày nay, các nghệ nhân Đào Thục đã sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước phù hợp với cuộc sống hiện nay.
Trong những năm qua, Phường múa Rối nước Đào Thục đã tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách thập phương, hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như của thành phố Hà Nội và tại các tỉnh, thành trong cả nước. Phường cũng đã tổ chức hơn 100 buổi lưu diễn nước ngoài tại các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan...
Ngoài tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước, Phường múa Rối nước Đào Thục còn quan tâm công tác truyền dạy, tập huấn cho thế hệ trẻ tiếp thu và gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này.