Quản lý chưa theo kịp cà phê phim

Được biết đến như là những rạp chiếu phim thu nhỏ, các quán cà phê phim đã trở thành điểm lý tưởng để các bạn trẻ hẹn hò hoặc tổ chức họp nhóm. Nhiều phim được “chủ rạp” chủ động khai thác từ Internet... Loại hình giải trí này cần được các cơ quan chức năng đưa vào quản lý, giám sát để đảm bảo hoạt động đúng quy định.

Nguồn phim không ai rõ

Xuất hiện từ vài năm nay, các quán cà phê phim có sức hút với nhiều bạn trẻ. Với hình thức kinh doanh phòng chiếu phim mini kết hợp phục vụ đồ uống như hiện nay, người xem không cần phải mất công đến rạp để xếp hàng mua vé, cũng không phải chờ đợi lâu để’ được xem bộ phim mới phát hành. Hình thức kinh doanh này đang trở nên rất thịnh hành.

Dạo quanh các phố phường Hà Nội, không khó để tìm được một quán cà phê chiếu phim, thậm chí tại một số địa bàn "trọng điểm" như quận Ba Đình, Đống Đa, mật độ các quán cà phê phim này khá nhiều. Có mặt tại một quán cà phê phim trên phố Xã Đàn, tôi được nhân viên của quán nhiệt tình tư vấn và khẳng định đây là hệ thống rạp chiếu phim mini hàng đầu tại Hà Nội, chất lượng dịch vụ không thua kém gì các rạp chiếu phim cỡ lớn. Giá phòng tùy thuộc vào số lượng người, đối với phòng 2 - 4 người sẽ có giá 80.000 đồng/giờ, 5 - 10 người có giá 120.000 đồng/giờ và trên 15 người có giá 230.000 đồng/giờ. Ngoài ra, còn có các gói trang trí phục vụ sinh nhật... từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng. Với 14 phòng chiếu, diện tích khoảng 15m2, nhân viên tại đây cho biết, hầu như ngày nào cũng kín khách, thậm chí những dịp cao điểm phải đặt trước mới có phòng.

"Tất cả phim chiếu rạp mới nhất, có thể’ vẫn đang chiếu hoặc vừa ngừng chiếu hôm trước, hôm sau chúng em đã có rồi. Tất cả phim đều được chiếu qua hệ thống máy chiếu", nhân viên tại đây cho biết.
Khi được hỏi có phim "Vợ ba" mới bị dừng chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 20/5 vừa rồi không, nhân viên tại đây khẳng định, quán có phim và vẫn chiếu bộ phim này phục vụ khách.

Chú thích ảnh
Một quán cà phê phim tại quận Đống Đa (Hà Nội).

Nhiều quán cà phê phim khác ở Hà Nội cũng trong tình trạng phim chiếu không hề có bản quyền. Một nhân viên quán cà phê phim trên phố Võ Thị Sáu (Hai Bà Trưng) chia sẻ, để có phim mới phục vụ nhu cầu của khách, thì các phim trình chiếu trong quán đều được khai thác, tải xuống từ mạng Internet hoặc in sao lại các đĩa phim.

Nguyễn Toàn N. một khách hàng từng đến cà phê phim tại đây cho biết, danh sách phim khá đa dạng, từ phim mới chiếu rạp đến những phim kinh điển Việt Nam cũng như thế giới, nhưng cũng có không ít phim đánh nhau bạo lực hoặc có nhiều "cảnh nóng", trong khi khách hàng đến các quán cà phê phim này phần nhiều là học sinh, sinh viên, điều này cũng ít nhiều gây ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của giới trẻ.

Xử lý vi phạm còn khó

Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), phải khẳng định rằng, việc kinh doanh dịch vụ chiếu phim chỉ có thể được tiến hành bởi các đơn vị chiếu phim được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Điện ảnh. Kinh doanh dịch vụ chiếu phim (phổ biến phim) là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại khoản 10 Điều 4 Luật Điện ảnh định nghĩa: "Cơ sở điện ảnh là cơ sở do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan".

Chú thích ảnh
Mỗi phòng chiếu phim có diện tích 10 - 15 m2.

Trong khi đó, các quán cà phê thực hiện hoạt động kinh doanh (chủ yếu là kinh doanh đồ uống) theo mô hình hộ kinh doanh cá thể, do vậy có thể khẳng định rằng các quán cà phê không phải là một cơ sở điện ảnh, cụ thể là cơ sở chiếu phim được quy định tại Điều 12 Luật Điện ảnh. Do vậy, khi các đơn vị này thực hiện các hoạt động của một cơ sở điện ảnh (cơ sở chiếu phim) thu lợi nhuận thì là vi phạm pháp luật.

Hành vi kinh doanh dịch vụ chiếu phim mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm 5 khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015 ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phạt từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng và mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần đối với hành vi vi phạm quy định trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề quản lý hoạt động chiếu phim tại các quán cà phê phim hiện nay, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, hiện nay việc quản lý các quán cà phê chiếu phim này rất khó. "Những quán cà phê này chiếu phim và thu tiền theo giờ chiếu, như vậy là có mục đích kinh doanh. Việc họ chiếu phim mà không có giấy phép là vi phạm bản quyền, một số nơi chiếu cả những đoạn, cảnh "nóng" đã bị cắt thì còn vi phạm về nội dung không được phổ biến hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục", ông Tô Văn Động cho biết.

Nói về việc xử lý những vi phạm này, ông Tô Văn Động cho biết, việc xử lý hiện nay là rất khó, vì các quán cà phê chiếu phim mở ra sẽ theo sự quản lý của phường, Sở cũng rất khó xử lý. "Nếu có khiếu nại cụ thể’, phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý ngay lập tức, nhưng làm sao để’ phát hiện được vi phạm thì rất khó, vì các quán cà phê nằm len lỏi ở các nhà, các ngõ. Hiện nay cũng chưa có chiến dịch thanh tra nào về vấn đề này, cũng chưa từng có trường hợp nào bị xử phạt", ông Tô Văn Động cho hay.

Bài, ảnh: Trung Hiếu/Báo Tin tức
Trung Quốc cách chức cán bộ đi xem phim trong giờ làm việc
Trung Quốc cách chức cán bộ đi xem phim trong giờ làm việc

Trung Quốc đã cách chức ba cán bộ nhà nước vì cùng cấp dưới bỏ việc đi xem phim bom tấn Hollywood “Avengers: Endgame”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN