Quản lý, hướng dẫn để thực hành đúng nghi lễ hầu đồng

Loạt bài “Hiểu để thực hành đúng về hầu đồng” đăng trên báo Tin tức từ ngày 1 - 3/12 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả. Báo Tin tức xin trích đăng một vài ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và của các thanh đồng liên quan đến việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội: Cần sự quản lý chặt

Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội đang phát triển mạnh và việc thực hành các nghi lễ của tín ngưỡng đang có những biến tướng sai lệch.

Để hầu đồng đúng nghi lễ, trở thành nét văn hóa riêng của Việt Nam, các cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ, để vừa bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, vừa hạn chế các biểu hiện thương mại hóa tiêu cực, các hình thức trục lợi của một số đối tượng trong việc thực hiện nghi lễ này, từng bước đưa hầu đồng trở lại đúng giá trị văn hóa vốn có của nó, nhất là khi chúng ta đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016.



NSƯT Văn Ty, nghệ sỹ hát văn: Tuyên truyền, hướng dẫn cho công chúng

Theo tôi, để bảo tồn sinh hoạt tín ngưỡng cũng như loại hình nghệ thuật độc đáo này, Nhà nước cần quản lý nó như một sinh hoạt văn hóa, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để công chúng hiểu rõ và biết cách thực hiện đúng nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hướng tới nét văn hóa đẹp của tín ngưỡng đó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng tín ngưỡng trục lợi bất chính, làm sai lệch về giá trị, ý nghĩa và cả trong quá trình thực hành nghi lễ.



Ông Lưu Ngọc Đức, thủ nhang Lảnh Giang vọng Từ Hàng Hành, Hà Nội: Chấn chỉnh việc đốt mã

Không chỉ có những sai lệch về trang phục, về vũ đạo, lời truyền phán, nhiều đền, phủ ở Hà Nội còn sai lệch trong cách trang trí, bày biện đồ thờ cúng. Có nơi đưa cả những vị thần mà các nhà nghiên cứu không biết là thần nào vào thờ. Có nơi họ thực hành lên đồng ngay tại đình làng, là sai lầm nghiêm trọng và làm hỏng giá trị của hầu đồng.

Theo tôi ngành văn hóa cần có chính sách đào tạo, để cho tất cả những người trong ban quản lý di tích, những người được giao trông coi di tích ít nhiều có những kiến thức về quản lý những đền thờ thần, thờ Tứ phủ... để họ hiểu và biết cách bầy biện thờ tự như thế nào đúng.

Bên cạnh đó, địa phương quản lý trực tiếp di tích cũng cần thường xuyên kiểm tra, không để cho họ tự tiện thay đổi đồ thờ, rồi dần dần cứ như thế sai lệch đi, để cho đời sau không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, việc đốt vàng mã trong lễ hầu đồng rất cần phải chấn chỉnh, hạn chế. Ngày xưa các cụ có một xấp tiền vàng rất nhỏ tượng trưng, chứ không đốt nhiều như bây giờ. Bây giờ các giá đồng đốt quá nhiều vàng mã, vừa lãng phí vừa không đúng theo nghi lễ.


Ông Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Xây dựng bộ tài liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu

Ngành Văn hóa cần tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cả những thanh đồng... nghiên cứu và đưa ra một bộ tài liệu với những thông tin tri thức chuẩn mực nhất về tín ngưỡng thờ Mẫu, về Đạo Mẫu, cách thực hành nghi lễ... lấy đó làm tài liệu phổ biến cho nhân dân.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát lại những đền, phủ để xem nơi nào chưa thực hiện đúng theo quy định, rà soát lại toàn bộ trang phục, y phục của những người thực hành nghi lễ, rồi khi thực hiện nghi thức trong các giá đồng thì phải ứng xử như thế nào cho đúng...

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm giữ các thanh đồng - những người thực hành nghi lễ với người quản lý, người trông coi di tích để tìm một tiếng nói chung thống nhất, tìm những bộ trang phục phù hợp và chuẩn nhất cho việc thực hành nghi lễ.

Và trên cơ sở các tài liệu chuẩn đó, ngành văn hóa cũng lấy đó làm chuẩn để thanh tra, kiểm tra... Theo tôi, nếu Nhà nước làm tốt được việc này, tập hợp được tất cả những người thực hành tôn giáo chân chính lại thì việc bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng sẽ thành công, những đối tượng lạm dụng sẽ dần dần bị loại trừ.


 
Phương Lan (ghi)
Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng
Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng

Chầu văn (hầu đồng) là nghi lễ quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời của người Việt. Nhưng lâu nay, hầu đồng bị che phủ bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN