"Những chiếc khăn màu thổn thức bay/ Những bàn tay vẫy những bàn tay/ Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt/ Buồn ở đâu hơn ở chốn này?" (Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính) - "Quán Thanh xuân" mở đầu năm 2021 với chủ đề "Sân ga và những chuyến tàu" sẽ đến với khán giả vào lúc 20 giờ 40 chủ nhật, ngày 3/1 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam
Các khách mời của "Quán thanh xuân" số này đều là những người có ký ức gắn bó sâu đậm với sân ga và những chuyến tàu. Đó là dịch giả Hoàng Thúy Toàn, sinh ra, lớn lên trong tiếng võng đưa và tiếng tu tu xình xịch của đoàn tàu bởi nơi ông ở cạnh ga tàu ở Bắc Ninh; sau này, nhà ông lại ở sát ga Hàng Cỏ (phố Ngô Sỹ Liên, Hà Nội).
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái với ký ức từ thời thơ ấu được thường xuyên đi từ Đà Nẵng ra Huế học, lớn lên đi Sài Gòn - Đà Nẵng, nhìn ngắm dọc dài đất nước tươi đẹp qua những toa xe lửa.
Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Kỷ, người xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm ngành đường sắt, cha là trưởng ga Hàng Cỏ, mẹ bán vé tại ga với ký ức "rợp trời thư tung bay trắng xóa" khi những chuyến tàu lính qua ga...
"Quán thanh xuân" lần này còn tặng khán giả một tấm vé trở về quá khứ, nhớ về những chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên qua lời kể của ông Nguyễn Minh Quang - 1 trong 20 đại biểu ngành đường sắt được ngồi trên con tàu lịch sử năm 1976. Ngày 31/12/1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đã nối liền Bắc - Nam bằng đường sắt. Đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội có 6 toa, 4 toa giường nằm, 1 toa cung ứng, bảo vệ, 1 toa hành lý. Tàu chỉ chạy ban ngày, nghỉ buổi tối để đảm bảo an toàn. Nếu như bây giờ, các chuyến tàu Bắc - Nam có thể chạy trong vòng 32 giờ đồng hồ thì ngày đó là… 80 tiếng.
Những câu chuyện đi tàu thời chiến của khách mời "Quán thanh xuân" đều đặc biệt. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể về chuyến tàu ở ga Vinh, khi anh đang chiến đấu ở Quảng Trị, được về phép thăm mẹ và hành trình hơn 30 tiếng đồng hồ ra Hà Nội có một bóng hồng làm bạn.
Với nhạc sĩ Trương Quý Hải, dấu ấn không thể quên là chuyến tàu chở lính khi xảy ra chiến tranh biên giới - vừa ấm áp tình người, vừa hừng hực khí thế chiến đấu. Khán giả của "Quán thanh xuân" còn được nghe chuyện "ngày xửa ngày xưa" của một người đi tàu chợ từ Hà Nội đến nơi sơ tán qua ký ức của nhà văn Nguyễn Thị Hậu.
Trong không gian "Sân ga và những chuyến tàu", bất kể thời gian nào - thời bình hay thời chiến đều đan xen giữa niềm vui - nỗi buồn, giữa hội ngộ - chia ly..., "Quán thanh xuân" tháng 1/2021 sẽ đưa khán giả đến với không gian chất chứa nhiều cảm xúc ấy.