Theo đó, tổng cộng 424 công trình di tích thuộc sở hữu Nhà nước và di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể được trùng tu, tôn tạo các hạng mục chính như mái ngói, kết cấu khung gỗ, cột trụ, tường nhà, mái kèo và nhiều hạng mục kiến trúc khác bị xuống cấp do tác động của thời gian. Sau khi được trùng tu, các di tích đều phát huy tốt hiệu quả sử dụng, góp phần giữ gìn “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị phố cổ Hội An.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Di sản Văn hóa thế giới Hội An gắn liền với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho người dân sửa chữa, trùng tu di tích, thành phố Hội An sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản. Hiện tại, thành phố Hội An được các chuyên gia khuyến khích trong việc số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư để làm cơ sở bảo vệ tốt hơn Di sản quý giá này.
Thành phố Hội An hiện có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Áp lực từ dân cư và đô thị hóa đã và đang có tác động lớn về nhiều mặt đến “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc và nét thuần hậu của Hội An. Hiện tại, các ngành chức năng thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đang tiến hành góp ý, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung vào Quy chế bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Hội An để trình UBND tỉnh Quảng Nam ban hành trong thời gian tới, nhằm bảo vệ Di sản ngày càng tốt hơn.