Trong số này, trên 10.000 lượt khách trải nghiệm du lịch biển đảo kéo dài từ Hội An đến khu dự trữ sinh quyển biển đảo Cù Lao Chàm và vươn dài đến đảo Tam Hải - điểm đến được ví như viên ngọc thô giữa biển chưa mài giũa của xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành. Điều này thể hiện du lịch biển đảo Quảng Nam đã, đang từng bước khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trong sự lựa chọn của du khách.
Tham quan Cù Lao Chàm, anh Mai Chí Dũng (đến từ thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: Du lịch biển đảo Quảng Nam đã có bước phát triển khá dài so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, từ dịch vụ lưu trú đến vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy với ca nô cao tốc đến Cù Lao Chàm và dịch vụ ẩm thực, khả năng đảm bảo an toàn cho du khách đều thể hiện sự quy củ, bài bản.
"Tiềm năng và cung cách phục vụ của du lịch Quảng Nam nói chung và du lịch biển đảo Hội An, Cù Lao Chàm nói riêng nếu được tiếp thị, quảng bá rộng rãi hơn nữa, chắc chắn sẽ có nhiều hơn khách du lịch đến với Hội An và Cù Lao Chàm trong cả năm, chứ không riêng trong những dịp nghỉ dài ngày như đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9", anh Dũng chia sẻ.
Xã đảo Tam Hải, trong dịp nghỉ lễ 2/9, đã đón trên một nghìn lượt khách đến tham quan. Tham quan các đảo thuộc xã đảo Tam Hải, anh Đỗ Phú Kim đến từ Quảng Ngãi so sánh: Tuy diện tích và dịch vụ du lịch của các hòn đảo thuộc xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) không thể so với các đảo cũng như dịch vụ du lịch của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phát triển mạnh mẽ trong mấy năm qua, song tiềm năng và lợi thế về khoảng cách địa lý giữa các đảo của xã đảo Tam Hải với đất liền không quá xa, cộng với bãi biển đẹp và nhiều loại hải sản là thế mạnh để Tam Hải phát triển thành những sản phẩm du lịch biển đảo có khả năng thu hút khách trong tương lai không xa.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) Ngô Đức An cho biết: Để xây dựng xã đảo Tam Hải trở thành khu du lịch biển đảo và vùng đệm điểm sinh thái môi trường, tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng phải tính toán đến tính khả thi của hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nhằm khai thác tối ưu sự phối hợp hỗ trợ giữa các loại hình giao thông vào phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ du lịch. Với cách tiếp cận này, huyện Núi Thành đang cùng với ngành du lịch và các nhà đầu tư từng bước xây dựng Tam Hải trở thành một điểm du lịch không thể thiếu trong tam giác du lịch biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) – Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Theo Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam) Trần Qúy Tấn, dịp Lễ Quốc khánh năm nay, do được nghỉ 4 ngày, điều kiện thời tiết thuận lợi nên lượng khách đến Quảng Nam tăng mạnh so với ngày thường, trong đó khách quốc tế tăng lượng lớn so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Hội An, nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều khách du lịch như: Mỹ Sơn, Phú Ninh, Khu vui chơi VinWonders, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, các tuyến du lịch biển đảo đã thật sự thu hút khách trong nước và quốc tế.
"Ở kỳ nghỉ này, nhiều gia đình có xu hướng chọn những điểm du lịch gần, thiên về du lịch thư giãn, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, biển đảo hoặc ngay tại thành phố sinh sống hay du lịch bằng xe ô tô tới các địa điểm không quá xa, để đảm bảo sức khỏe cho các con đi học lại. Đó là lý do du khách ưu tiên chọn những địa điểm gần, tiện lợi, ít di chuyển tốn kém. Tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2023 ước đạt gần 166.000 lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 29.200 lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022", ông Trần Qúy Tấn chia sẻ thêm.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh phân tích, với khoảng hơn 125 km chiều dài bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, cùng với một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, Quảng Nam đang sở hữu nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Số lượng hơn một vạn du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch biển đảo trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay phần nào cho thấy sự phát triển du lịch biển đảo của Quảng Nam là lựa chọn đúng hướng.
"Trong bối cảnh ngành Du lịch từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư. Những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng. Do vậy, hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng phải có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng, có sự liên kết giữa các địa phương, các điểm đến, cộng đồng doanh nghiệp và có sự chia sẻ lợi ích với cộng đồng", Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nói.