Vào cuối tháng 8 vừa qua, các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo đã nối lại dịch vụ giữa thủ đô Bình Nhưỡng với Bắc Kinh (Trung Quốc) và Vladivostok (Nga), lần đầu tiên kể từ tháng 1/ 2020. Theo CNN, đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể sẽ mở cửa trở lại rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, việc thu thập thông tin từ giới chức Triều Tiên là một thách thức, khiến các công ty lữ hành phải suy đoán về thời điểm họ được phép đưa du khách trở lại nước này.
Tổng giám đốc của Koryo Tours, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc chuyên tổ chức các chuyến du lịch theo nhóm tới Triều Tiên – ông Simon Cockerell chia sẻ: “Không có Bộ Du lịch. Vì vậy, không có quan chức chính phủ cấp cao hay bất cứ vị trí tương tự liên quan đến du lịch”.
Kết quả là thông tin không rõ ràng và điều tốt nhất mà ông và các đồng nghiệp có thể làm là chờ đợi. Ông bổ sung: “Hãy tưởng tượng một công ty không thể tiếp cận thị trường, không có khách hàng và không có thu nhập trong ba năm rưỡi. Đó là điều khó khăn”.
Koryo Group cũng điều hành các tour du lịch đến nhiều nơi khác tại châu Á như Kazakhstan và Mông Cổ, giúp công ty duy trì hoạt động nhưng không còn ở mức như trước đây.
Mặc dù Cockerell tin rằng việc nối lại một số chuyến bay quốc tế của Triều Tiên là dấu hiệu đầy hứa hẹn, nhưng ông cho biết ngay cả khi các công ty du lịch được phép hoạt động trở lại thì cũng không biết liệu vaccine, biện pháp cách ly và hạn chế khác trong thời kỳ COVID-19 vẫn áp dụng hay không. Du lịch đến Triều Tiên được cấp phép trong thời kỳ trước đại dịch COVID-19, nhưng chịu nhiều hạn chế nghiêm ngặt.
Ngay cả khi du lịch ở Triều Tiên được nối lại, có một nhóm du khách sẽ vắng mặt – đó là người Mỹ. Từ năm 2017, Mỹ đã cấm công dân đến Triều Tiên và gia hạn lệnh cấm này cho đến ít nhất là đến năm 2024.
Lệnh cấm được Mỹ đưa ra không lâu sau cái chết của công dân Otto Warmbier. Sinh viên Đại học Virginia (Mỹ) Otto Warmbier bị bắt khi đang du lịch Triều Tiên vào tháng 1/2016. Chuyến thăm do một nhà điều hành tour du lịch bình dân có trụ sở tại Trung Quốc tổ chức. Đây là chuyến du lịch 5 ngày trải nghiệm Triều Tiên. Cha của Otto Warmbier chia sẻ với tờ Washington Post rằng con trai ông khi đó tò mò về văn hóa và “muốn gặp người dân Triều Tiên”.
Hai tháng sau khi Otto Warmbier bị giam giữ, một tòa án tại Triều Tiên đã kết án anh ta 15 năm tù lao động khổ sai với tội danh cố gắng ăn cắp tấm áp phích tuyên truyền. Không lâu sau đó, Otto Warmbier bị chấn thương thần kinh chưa rõ nguyên nhân. Anh ta được trả tự do trong tình trạng bệnh nặng, 17 tháng sau khi bị bắt. Otto Warmbier qua đời trong bệnh viện sáu ngày sau khi trở về Mỹ vào tháng 6/2017.
Một tòa án liên bang sau đó đã tuyên bố Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về hành vi tra tấn và cái chết của Otto Warmbier. Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố Otto Warmbier đã được chăm sóc y tế "với tất cả sự chân thành" tại nước này. KCNA tuyên bố rằng Triều Tiên là "nạn nhân lớn nhất" từ cái chết của của Otto Warmbier và "chiến dịch bôi nhọ" sau đó của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27/8 thông báo nước này đã chính thức cho phép các công dân nước này ở ngoài nước được phép trở về. Những người về nước sẽ được "theo dõi y tế phù hợp tại các trung tâm cách ly trong 1 tuần".