Các di tích được xếp hạng bao gồm: Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn); di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1974. Về niên đại của đình Trà Cổ, đến nay chưa tìm thấy các căn cứ lịch sử, khoa học khẳng định niên đại chính xác của đình Trà Cổ, có nhiều ý kiến được đưa ra, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ XV. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm kiến trúc còn lưu giữ được, có thể phỏng đoán đình Trà Cổ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.
Di tích được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa, có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đã kế thừa được những tinh hoa nghệ thuật của cả một giai đoạn lịch sử. Năm 2014, di tích được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là 1 trong 15 điểm tham quan du lịch của thành phố Móng Cái và đang được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.
Thương cảng Vân Đồn từng là một thương cảng của nước Đại Việt, tồn tại từ giữa thế kỷ thứ XII đến cuối thế kỷ XVIII ở vùng biển nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đây là trung tâm giao thương lớn và quan trọng của Việt Nam lúc bấy giờ với nhiều thuyền buôn từ khắp châu Á và châu Âu đến buôn bán, trao đổi hàng hóa.