Cuốn sách "Thời cuộc và văn hoá" với 54 bài báo, tuyển chọn theo chủ đề, được viết trong khoảng thời gian trên 20 năm làm nghề của tác giả. Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được thể hiện sâu sắc qua ngòi bút sắc bén, hấp dẫn của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Cuốn sách được chia thành 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm cách những con người; Lõi vàng văn hóa Việt Nam; Văn hóa và báo chí. “Thời cuộc và văn hóa” đề cập đến thời cuộc với những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại như: Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu; Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh; Cuộc chiến Coxôvô; Cú đánh 11/9/2001 và cách thức chống khủng bố; Các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền, kỷ nguyên số với nỗi ám ảnh mạng xã hội “siêu quyền lực” và không thể kiểm soát... Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề mang tính văn hoá của thế giới, Việt Nam với những con người Việt Nam.
Chính trị và văn hóa, hai nội dung tưởng chừng như ít liên quan đã được nhà báo Hồ Quang Lợi kết hợp rất hài hòa, nhuần nhuyễn lại không kém phần sâu sắc, tinh tế, hấp dẫn, qua đó, lột tả được mối quan hệ biện chứng thế cuộc - văn hóa. Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong các bài báo Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ, mà còn bao quát hiện tại và dự báo cho tương lai. Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa bắt nguồn từ tài năng và cái tâm của người cầm bút.
TS Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, người đầu tiên đọc bản thảo và viết lời tựa cho cuốn sách cho biết, đọc những bài báo của Hồ Quang Lợi, mọi người đều có chung cảm nhận về năng lực tư duy sắc bén, khoa học, một bút lực dồi dào, cuốn hút. Bình luận về các vấn đề thời sự luôn là những cuộc vật lộn cân não, là sự thách thức nhọc nhằn đối với người cầm bút do vừa bị câu thúc về thời gian, vừa chịu sức ép từ những đòi hỏi cao của độc giả về năng lực tư duy, phân tích, về đánh giá, dự báo diễn biến của sự việc. Nhưng mỗi khi đọc bài báo ký tên Quang Lợi, người đọc luôn cảm thấy một sự sảng khoái như vừa được thưởng thức món ăn mà mình đang ao ước được chính tay một đầu bếp tài hoa chuẩn bị.
“Tôi cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về cả tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng. Ai đó đã nói, nhà văn, nhà báo là những thư ký của thời đại, Hồ Quang Lợi là một thư ký chuyên cần và xuất sắc của "Thời cuộc và văn hoá", TS Phạm Quang Nghị xúc động chia sẻ trong lễ ra mắt sách.
Là một nhà báo cũng từng ra mắt nhiều cuốn sách, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bày tỏ sự kính phục trước ngòi bút sắc sảo của nhà báo Hồ Quang Lợi. “Cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi đã truyền cảm hứng rất nhiều cho thế hệ sinh viên báo chí chúng tôi thời bấy giờ, để bây giờ khi chúng tôi được đi ra thế giới, đi đến các điểm nóng, chúng tôi có ký ức là những câu chuyện của anh để soi rọi những câu chuyện mới”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.
Tại lễ ra mắt sách, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng xúc động gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè và những người đồng nghiệp đã sát cánh bên anh trong suốt thời gian qua. Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng xúc động chia sẻ những khó khăn của người làm báo: “Nghề cầm bút, đặc biệt là nghề báo rất khó nhọc. Bởi vì khi anh làm việc đến 2 - 3 giờ sáng thì chỉ có anh biết anh khổ như thế nào. Nhưng cũng chỉ có anh cảm thấy sướng như thế nào khi anh viết ra được điều gì đó đúng với suy nghĩ, tâm can của mình. Có những lúc viết xong bài báo, đứng dậy, tôi thấy mình không có trọng lượng nữa, không phải vì quá mệt mà là cảm thấy mình rút được cái gì đó trong con người mình ra. Tôi biết lúc đó bài viết của tôi có thể đến được bạn đọc hay không”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng đặc biệt nhấn mạnh giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện nay. Văn hóa bị tác động của thời cuộc, có thời kỳ văn hóa bị xô lệch, thời cuộc tác động đến văn hóa nhưng văn hóa là nền tảng, là cái lõi giúp cho con người, thế giới và nhân loại giữ được sự cân bằng, tồn tại và phát triển.
“Những người cầm bút hãy luôn ghi nhớ điều đó và phát huy lấy nó. Báo chí vượt trội mạng xã hội bằng tính chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm và sức thuyết phục. Độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí ngày hôm nay. Báo chí đương nhiên phải bảo vệ phát huy giá trị văn hóa trong thời đại hội nhập và đó vẫn tiếp tục là nhiệm vụ của tôi cũng như các nhà báo”, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.