Rộn ràng không khí đêm hội Trung thu phố cổ

Từ khoảng chiều tối, người dân đổ dồn về khu vực phố cổ Hà Nội với tràn ngập sắc màu đồ chơi Trung thu, âm nhạc, tiếng trống, tiếng hát rộn ràng…


Trong suốt ngày 27/9, đúng vào rằm Trung thu nên không khí thật tưng bừng trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là gần chiều tối, người dân đổ dồn về khu vực phố cổ Hà Nội với tràn ngập sắc màu đồ chơi Trung thu, âm nhạc, tiếng trống, tiếng hát rộn ràng… Không chỉ các em nhỏ mà cả các nam nữ thanh niên và người lớn cũng háo hức dạo quanh khu phố cổ Hà Nội để được cảm nhận không khí Trung thu xưa và nay với những đồ chơi, trò chơi đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc.

Khu vực trung tâm thu hút người dân đến vui chơi trong những ngày này là khu phố Hàng Mã và một số tuyến phố lân cận. Không khí ở đây luôn rộn rã tiếng trống, tiếng nhạc với sắc màu rực rỡ trải dài cả khu phố. Có thể dễ dàng nhận thấy không chỉ có những vị phụ huynh đưa con đi chơi, mà còn có các bạn trẻ đến đây để mua sắm các món hàng độc đáo như vương miện, bờm cài tóc, vòng phát sáng...

Trẻ em là những ''Thượng đế'' được quan tâm nhất trong ngày Tết Trung thu. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Bạn Phạm Thị Thanh Hương (sinh viên trường Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông) cho biết: "Vì năm nào khu vực Hàng Mã cũng đông đúc nên em cùng bạn bè chuẩn bị ra đây từ rất sớm, để thoải mái gửi xe, đi dạo và chụp ảnh". Ngoài chiếc bờm cài đầu, Hương còn mua thêm 1 chiếc tò he hình bông hoa xinh xắn.

Tò he cũng là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ và một số vị phụ huynh khi chọn đồ chơi Trung thu năm nay. Những chiếc tò he với hình nhân vật ngộ nghĩnh, những chiếc trống cầm tay hoặc những con rối giật dây cũng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Tết Trung thu là một trong những tết cổ truyền của người Việt Nam nên tôi lựa chọn cho con trai 1 chiếc đầu sư tử được làm thủ công và trang trí khá sặc sỡ". Chị muốn con được hưởng Trung thu theo cách cổ truyền với những món đồ chơi quen thuộc mà không lựa chọn đồ chơi ngoại nhập.

Theo quan sát, những đồ chơi đậm bản sắc dân tộc như đèn kéo quân, đèn ông sao, trống quân, tò he... được bày bán tương đối nhiều và nhận được sự ủng hộ từ người dân. Đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc vẫn có người chọn mua do giá thành tương đối rẻ, đa dạng, bắt mắt, thu hút thị hiếu của số đông người tiêu dùng.

Không khí vui Trung thu tràn ngập khu vực phố cổ và tại nhiều tuyến phố khác của Hà Nội. Trên các tuyến phố cổ như: Hàng Thiếc, Hàng Lược... , người dân tại đây đã dựng lên một số phông bạt trang trí chủ đề Trung thu kèm theo một mâm cỗ nhỏ để trẻ em quanh đó có thể đến chung vui, phá cỗ.

Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, tại khu vực sảnh của Tràng tiền Plaza tổ chức múa lân, phía bên ngoài là các gian hàng trưng bày một số sản phẩm Trung thu đặc trưng từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam...

Điểm nhấn của Trung thu năm nay là chuỗi hoạt động văn hóa đón Trung thu tại các điểm di tích trong phố cổ. Tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), các nghệ nhân đã trực tiếp hướng dẫn các em thiếu nhi làm các món đồ chơi trung thu truyền thống như: Đèn ông sao, ông tiến sỹ, ông đánh gậy, diều giấy, nặn tò he, hướng dẫn cách chơi trò chơi Trí Uẩn...

Cùng với việc tập làm đồ chơi, các em còn được giải thích ý nghĩa của từng loại đồ chơi truyền thống này. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ) tổ chức trưng bày và biểu diễn rối cạn do các nghệ nhân đến từ làng rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) biểu diễn. Đồng thời, tại đây cũng giới thiệu tư liệu ảnh về Tết trung thu xưa. Ngoài ra, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây còn được chọn là nơi giới thiệu không gian ngôi nhà truyền thống của người Hà Nội xưa trong dịp Tết Trung thu và tranh thiếu nhi của nhóm họa sĩ Hạnh Art. Tại đây, các em thiếu nhi còn được tìm hiểu về nghệ thuật làm con giống bằng giấy bồi.

Say mê với những hoạt động này, chị Đinh Thị Khánh Vy (39 tuổi, ở Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mùa Trung thu năm nay chị đã 5 lần đưa các con lên khu vực phố cổ Hà Nội để tham dự các hoạt động Trung thu phố cổ. Các con chị tỏ ra vô cùng thích thú khi được trực tiếp nặn tò he, được xem các chương trình biểu diễn rối cạn, tham gia bày mâm cỗ Trung thu... Chị Vy chia sẻ, thông qua các hoạt động vui chơi này, chị mong muốn các con thêm hiểu và thêm yêu bản sắc truyền thống của dân tộc.

Theo ghi nhận chung, vẫn không khí đông đúc và náo nhiệt đặc trưng, nhưng dường như Trung thu năm nay được diễn ra khá trật tự và được quản lý chặt chẽ. Các khu trông xe bố trí ngăn nắp, gọn gàng, không có hiện tượng chèo kéo khách và mức giá chung là 20.000 đồng/1 xe. Để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, lực lượng dân phòng được huy động, phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra thường xuyên. Đặc biệt là những khu bán hàng được bố trí dọc lối đi, hàng quán được xếp gọn để người dân có thể đi lại dễ dàng. Những bản tin khuyến cáo người dân về các đồ chơi kém chất lượng... được phát thường xuyên trên các loa phát thanh giúp người dân được tư vấn và có sự tham khảo để lựa chọn những món đồ chơi an toàn, văn minh.

Tiếng trống hội từ khắp các ngả phố vang lên, ai nấy đều có chung tâm trạng háo hức, vui vẻ, tận hưởng không khí tuổi thơ năm nào. Hòa với tiếng trống trước đèn Trung thu giục giã, bài hát "Chiếc đèn ông sao" được cất lên chung nhịp đập của nhiều lời ca, một mùa Trung thu tưng bừng, rộn ràng, đậm chất cổ truyền nữa lại về.

Cẩm Anh (TTXVN)
Người Việt tại Singapore và Malaysia vui đón Trung thu
Người Việt tại Singapore và Malaysia vui đón Trung thu

Chiều 26/9, Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt tại Singapore cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã phối hợp tổ chức chương trình vui Tết Trung thu năm 2015 với chủ đề "Quê hương Việt Nam - Trung thu 2015".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN