Mở đầu cho lễ hội là phần công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội Katê nói riêng; góp phần phục vụ phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng; từ đó làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện có người Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào duy trì, phát huy các giá trị của Lễ hội Katê; quan tâm đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, ngăn chặn những nguy cơ làm mai một, biến thể hoặc thất truyền các nghi thức trong Lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận” để trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành vào cuối năm 2023.
Ngay sau lễ công bố, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc. Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển trong tiếng trống Para nưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp nối là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…
Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm mà từ lâu Lễ hội Katê là dịp để Bình Thuận thu hút khách tham quan, du lịch và trở thành sân chơi của người dân địa phương, nhất là các hoạt động trong phần hội. Phần hội của Lễ hội Katê năm nay không kém phần sôi nổi với các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như: thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thôn la; thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…
Anh Phạm Thanh Phước, hướng dẫn viên Green Bamboo Travel cho biết: Đây là lần đầu tiên anh hướng dẫn đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm Lễ hội Katê của người Chăm tại Bình Thuận. Mặc dù tìm hiểu nhiều trên sách, báo chí nhưng được trực tiếp tham gia không khí lễ hội, anh cùng cả đoàn mới cảm nhận hết những ý nghĩa cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của người Chăm.
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Lễ hội Katê thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón Tết tại nhà. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.