Rồng vàng bên dòng Cửu Long

“Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”

Nghĩa thi chính là cụ Bùi Hữu Nghĩa.

Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm Đinh Mão 1807 tại thôn Bình Thủy, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Lễ giỗ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.


Tháng hai năm Ất Tỵ (1835), triều đình mở khoa thi hương tại Gia Định, người đậu thủ khoa năm đó là Bùi Hữu Nghĩa. Sau khi đỗ giải Nguyên, tiếng tăm lừng lẫy, Bùi Hữu Nghĩa được ông Nguyễn Văn Lý ngỏ ý gả con gái nhưng ông xin hẹn lại chờ hỏi ý kiến của cha mẹ. Sau đó ông chính thức kết hôn với Nguyễn Thị Tồn, một phụ nữ xuất thân áo vải nhưng gia đình rất trọng hiếu đạo và lễ nghĩa.

Từ khi bước chân vào quan trường, cuộc đời của ông luôn gặp những bước thăng trầm. Đau buồn nhất là lúc làm tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), dưới quyền cai trị của Tổng đốc Trương Văn Uyển và tên Bố chánh Truyện chuyên hà hiếp nhân dân, ông phải trải qua nhiều phen sóng gió.

Với bản tính cương trực, thẳng thắn, không chịu khuất phục và luôn căm ghét bọn cường hào ác bá, ông hết lòng bênh vực người nghèo và những gia đình cô thế. Do đó, ông bị bọn tham quan ô lại vu cáo bắt giải về Gia Định, rồi đệ sớ lên triều đình tố cáo đã kích động dân làm loạn. Đứng trước nỗi oan của chồng, bà Nguyễn Thị Tồn đã “thân gái dặm trường” một mình lặn lội ra tận kinh thành Huế minh oan cho chồng. Bà tìm đến tư dinh cụ Phan Thanh Giản, Thượng thư bộ lại đệ đơn trình bày sự lộng hành của quan đồng liêu đã cáo gian hãm hại trung thần, rồi đến Tam pháp ty gióng trống kêu oan, vừa đọc sớ vừa nức nở khóc. Vua Tự Đức giao cho Tam pháp ty nghị án và chính vua chung thẩm bản án như sau: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa song phải quân tiền hiệu lực, lập công chuộc tội”.

Bà Từ Vũ, mẹ vua Tự Đức nghe chuyện liền cho mời bà Nguyễn Thị Tồn vào và ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng “LIỆT PHỤ KHẢ GIA”.

Sau lần minh oan đó, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết nhưng bị đổi ra làm Thủ ngự đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc) nhận việc tiễu trừ phiến loạn để lấy công chuộc tội. Sau hơn hai mươi năm ở chốn quan trường, ông luôn xem thường danh lợi và nêu cao nghĩa khí, cho tới khi triều đình Huế ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông giao cho Pháp (1862), ông mới cáo quan về nhà dạy học, bốc thuốc, làm thơ và bắt đầu giao du với những nhân sĩ cùng một chí hướng vẫy vùng. Ông âm thầm giúp nghĩa quân mở rộng thế lực chống Pháp ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Tấm lòng trung nghĩa và khí khái của ông đã được giữ trọn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872).

Ông vừa là một nhà thơ có tài được xếp vào một trong bốn con rồng vàng ở đất Đồng Nai, vừa là một sĩ phu yêu nước như dân gian đã truyền tụng “Ai trung cho bằng ông Nghĩa, ông Huân, ông Định”. Khi tiếng súng xâm lược của Pháp nổ ra, mặc dù thế cô, sức yếu, tuổi tác đã cao lại trải qua nhiều sóng gió nhưng ông vẫn nêu cao tinh thần yêu nước và giữ gìn nhân cách của mình.

Không trực tiếp cầm gươm, súng chống ngoại xâm, ông dùng bút để đả phá cường quyền. Đối với những kẻ bại hoại, hại dân hại nước, ông mạnh dạn lên án và chống trả quyết liệt.

Chẳng hạn như mười hai bài liên hoàn tự thuật của Tôn Thọ Tường đã phơi bày chân tướng “bán mình cho quỷ dữ”, gây căm phẫn trong lòng mọi người. Ông đã khẳng khái đứng về phía các nhà nho yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị nêu cao lập trường chính nghĩa và lòng tự hào dân tộc :

“Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đâu
Đâu để giang sơn đến nỗi này”

Ông đã sát cánh cùng các nhà thơ yêu nước nhắm thẳng vào những kẻ đầu hàng, trâng tráo bằng những vần thơ rực lửa:

“Hùm nương non rậm đang chờ thuở
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày,
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả dễ lung lay!”.

Ông thường mượn thơ văn để tỏ thái độ khinh miệt bọn bất tài, hống hách, bọn Việt gian bán nước; đồng thời bày tỏ lòng trung kiên nghĩa khí của mình đối với giống nòi.

Chính nhờ vậy mà nhân dân ở đồng bằng Nam Bộ mới có câu “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bùi Hữu Nghĩa nhì Phan tuẩn thần”. Tuy tuổi tác chênh lệch với cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị và Phan Thanh Giản nhưng tên tuổi bốn người gắn bó với nhau như hình với bóng, đặc biệt Bùi Hữu Nghĩa và Phan Thanh Giản là hai cây bút xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học của Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Ngày nay, mỗi lần về Cần Thơ ghé thăm Di tích lịch sử văn hóa Mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trên đường CMT8 - TP Cần Thơ, thăm làng cổ Long Tuyền hoặc Nam Nhã Đường, nơi còn phảng phất chút hương linh và hồn thơ lai láng của ông năm nào, nhiều văn nghệ sĩ đều bày tỏ lòng mến mộ về văn tài và nhân cách cao quý của ông. Một nhà thơ luôn “Trọng đạo cương thường vai gánh nặng. Ngàn năm thơm để miệng cười rao…”.

Trên thi đàn, ngoài những bài thơ, câu đối, văn tế, Bùi Hữu Nghĩa còn nổi tiếng với vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên”, một vở tuồng được coi là xưa nhất của nước ta, cũng là vở tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp. Vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã viết: “Nói về tuồng thì Trung Bộ có Đào Tấn và Nam Bộ có Bùi Hữu Nghĩa. Còn nói về văn tế, nếu Nguyễn Đình Chiểu có “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” hay và cảm động nhất thì Bùi Hữu Nghĩa lại có bài văn tế khóc vợ và văn tế viết cho đứa con gái vô cùng thống thiết “Đường ra lối vào còn đó, con đi đâu cho rêu cỏ mọc xanh. Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng”.

Hơn một thế kỷ trôi qua, mộ phần của ông được chính quyền và nhân dân trùng tu nhiều lần.

Tại địa bàn quận Bình Thủy hiện có một phường, một ngôi trường và một con đường lấy tên ông để cho con cháu đời đời tri ân. Hằng năm vào ngày giỗ ông giữa tiết xuân ấm áp, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đều nô nức đổ về mộ ông - Di tích Văn nhân văn hóa cấp quốc gia để đốt nhang và tưởng niệm một nhà thơ khí phách, một nhân cách lớn được người đời hâm mộ.

Hoài Phương
Cần Thơ khánh thành Khu tưởng niệm nhà yêu nước Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Ngày 1/3, TP Cần Thơ tổ chức Lễ kỷ niệm 141 năm ngày mất (21/1/1872 - 21/1/2013) và khánh thành Khu tưởng niệm nhà yêu nước cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN