Với sự tham gia của 45 nghệ nhân đến từ 12 đoàn nghệ nhân thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố, Liên hoan là dịp để các nghệ nhân và mỗi cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nghệ thuật, chất liệu thổ cẩm. Bên cạnh đó, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cộng đồng, tôn vinh nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Bahnar, J’Rai (thành phố Kon Tum) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Phan Ngọc Định, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum cho biết, đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, thổ cẩm làm nên nét đẹp của trang phục truyền thống và ghi dấu bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm như một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm; truyền được hình ảnh, sắc màu và hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, đường dệt. Từ đó, tạo nên những tấm thổ cẩm độc đáo, sinh động, góp phần tạo nên điểm nhấn quan trọng trong quá trình hình thành những giá trị văn hóa của cộng đồng.
Nghệ nhân Y Yal, đoàn nghệ nhân xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum cho biết, bà đã được học dệt thổ cẩm từ nhỏ, thông qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đi trước. Đến nay, đã gần 70 tuổi, bà vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của dân tộc mình.
“Tôi rất vui khi đến với Liên hoan sắc màu thổ cẩm. Đây là nơi mà những nghệ nhân như tôi được trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của dân tộc. Liên hoan cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ của người Bahnar, J’rai mà còn của tất cả các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc”, nghệ nhân Y Yal vui vẻ nói.
Ông Hoàng Duy Hùng, du khách đến từ thành phố Hạ Long cho biết, ông và những người thân trong gia đình, bạn bè đã đến Kon Tum du lịch được 2 ngày. Sáng 11/4, ông đến tham quan Nhà rông Kon Klor và ngẫu nhiên được biết đến Liên hoan sắc màu thổ cẩm. Ông và các thành viên trong đoàn cảm thấy rất thích thú với các sản phẩm thổ cẩm được trưng bày. Được biết đến thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua sách báo, internet nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên ông được trải nghiệm thực tế những sản phẩm này. Tuyệt vời hơn nữa là còn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân dệt ra những sản phẩm thổ cẩm, điều mà không phải ai đi du lịch cũng gặp được. Ông Hùng và các thành viên trong đoàn đã mua một số sản phẩm từ thổ cẩm để làm kỷ niệm và làm quà cho người thân.
Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III năm 2024 diễn ra đến hết ngày 12/4.