Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum Nguyễn Thanh Mân khẳng định, dấu ấn rõ nét trong hành trình 15 năm phát triển là thành phố được Chính phủ công nhận Đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và khắc phục những khó khăn trong giai đoạn tới, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố tiếp tục phát huy thế mạnh về vị trí là trung tâm của tỉnh và tiềm năng, nguồn lực của địa phương. Chú trọng phát triển đô thị theo hướng 3 đường vành đai, 6 vùng phát triển; hình thành các trung tâm đô thị được gắn kết bằng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện và hiện đại.
Thành phố giữ gìn, khai thác tối đa bản sắc văn hóa, lợi thế, tiềm năng tự nhiên để hình thành cấu trúc đô thị kết hợp hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, phát triển thành phố Kon Tum trở thành trung tâm thương mại - tài chính, cầu nối giữa các địa phương trong giao thương, kết nối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, gắn kết các tour du lịch với địa phương trong và ngoài tỉnh. Đầu tư phát triển các khu đô thị mới nhằm mở rộng không gian đô thị theo hướng: “Lấy dòng sông Đăk Bla làm trung tâm, làm xương sống để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch”.
Thành phố xây dựng mối liên hệ trong chuỗi cung ứng “vùng nguyên liệu - vùng chế biến, sản xuất - vùng tiêu thụ” với các vùng kinh tế động lực khác. Trong đó, tiếp tục duy trì kết nối về du lịch - dịch vụ giữa thành phố Kon Tum với các đô thị trong khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và định hướng kết nối với các thành phố lớn khác trên cả nước.
Ngày 10/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thành phố Kon Tum, trực thuộc tỉnh Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên 43.601 ha, dân số trên 183.000 người.
Với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, địa phương và người dân các dân tộc, thành phố Kon Tum đã vươn lên bằng chính nội lực của mình, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố đạt trên 60.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 12,5%. Thành phố Kon Tum không còn hộ đói; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trên 44,5%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 20,5% năm 2009 xuống còn 7,4% vào thời điểm hiện tại; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt xấp xỉ 90%.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được phát triển mạnh mẽ và rộng khắp gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Toàn thành phố có 11/11 xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới, 10/10 phường đạt chuẩn Văn minh đô thị; 152/154 thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa, chiếm 98,7%; số hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa trên 94%.
Cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được chú trọng gìn giữ, bảo tồn. Trong lòng thành phố Kon Tum còn hiện hữu những không gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa Bahnar, Jarai, Xơ Đăng với những phong tục tập quán tốt đẹp luôn được giữ gìn, phát huy. Đây là nguồn tài nguyên phong phú cho ngành du lịch cộng đồng đang từng bước phát triển, thu hút bạn bè trong và ngoài tỉnh đến với thành phố Kon Tum.
Tại lễ kỷ niệm, thành phố Kon Tum đã khai mạc Ngày hội quảng bá kết nối du lịch các thành phố ở Tây nguyên và thành phố Tuy Hòa năm 2024. Với phương châm “Đồng hành để cùng đi xa - Kết nối để cùng phát triển”, các thành phố tham gia tại Ngày hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để phát triển du lịch và thu hút đầu tư phát triển triển du lịch tại mỗi địa phương; đồng thời, tạo chuỗi liên kết vùng và nâng cao lượng các sản phẩm du lịch hiện có.