Không gian chợ vùng cao tại Làng có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La, La Ha, Thái, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú. Không khí đậm nét chợ vùng cao sẽ gây ấn tượng cho du khách khi đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian.
Ban Tổ chức cũng giới thiệu các trò diễn trong lễ hội của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Làng I. Các trò diễn được giới thiệu gồm: Diễn trò giả làm con khỉ, diễn cảnh cày bừa, múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, chơi ném còn… với sự giao lưu, tương tác với đồng bào các dân tộc và khách du lịch. Đặc biệt, đồng bào sẽ trình diễn điệu múa sừng lừng quanh cây nêu, đây là điệu múa thường được thực hiện tại các lễ hội của dân tộc La Ha..
Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” sẽ là phần trình diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền.
Trong chuỗi các hoạt động, đáng chú ý là phần tái hiện các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đầu tiên là phần tái hiện lễ Pang A (Lễ cầu an) của dân tộc La Ha - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia diễn ra vào ngày 27/4 tại Làng dân tộc La Ha, Khu các làng dân tộc I. Lễ Pang A có phần lễ tôn nghiêm giàu bản sắc, phần hội sôi nổi, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh hoạt động lao động sản xuất, ước nguyện của người dân mong mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, bản làng, dòng họ phát triển, hạnh phúc. Lễ Pang A được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
Ngày 28/4, đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu, giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng cây đu (Gié Khừ Già) trong Tết mùa mưa. Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, đồng bào phải dựng hai cây: Đu lăng và đu quay, cùng 2 cái bập bênh quay. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về sự phát triển tốt đẹp. Còn đu quay như guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ. Sau khi tổ chức lễ cúng mùa mưa tại không gian nhà, đồng bào Hà Nhì di chuyển xuống chợ vùng cao cúng cây đu và mở hội. Các điệu múa, tiếng trống và các trò chơi dân gian được mở ra để đồng bào các dân tộc và du khách cùng tham gia trải nghiệm.
Đồng bào Si La sẽ tái hiện Tết mừng lúa mới vào ngày 29/4. Đồng bào Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ, mà tất cả dòng họ trong bản đều được tổ chức. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong dòng họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng họ. Lễ mừng cơm mới là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào Si La.
Đồng bào Hà Nhì tái hiện lễ hội mùa mưa. Đây là một trong 7 cái Tết theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì trong năm. Tết mùa mưa thường diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện tín ngưỡng đặc trưng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của người Hà Nhì, cầu mong mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Có dịp tham dự lễ hội cầu mưa của người Hà Nhì, du khách sẽ thấy bên cạnh phần lễ long trọng, linh thiêng, còn có nhiều hoạt động trò chơi, hoạt động văn hóa hấp dẫn như đu dây, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, hát đối đáp giao duyên… Bữa liên hoan vào ngày Tết mùa mưa trong các bản làng còn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng, là dịp để thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng làng bản thêm bền vững...