Tết Nguyên đán Ất Mùi đến gần, cũng đồng nghĩa với việc đất nước chuẩn bị bước vào mùa lễ hội mới. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương có những lễ hội lớn đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2015. Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: PL |
Bắc Ninh là tỉnh có nhiều lễ hội lớn diễn ra trong năm, như lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội Lim, lễ hội Chùa Phật Tích, lễ hội lăng và đền Kinh Dương Vương… Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các lễ hội đều đã hoàn tất. Theo đó, hội Lim sẽ diễn ra trong 2 ngày 2-3/3/2015 (tức ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch), tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão với các hoạt động chính như tổ chức hát quan họ tại các lán trại, tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền, hát quan họ tại gia đình các nghệ nhân… Bên cạnh đó, BTC lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian, thi dệt cửi, thi cờ người…
Lễ hội đền Bà Chúa Kho diễn ra từ tháng Chạp năm 2014 cho đến hết tháng 2/2015 (âm lịch). BTC đã tiến hành phân công cụ thể cho các ban, ngành, đảm bảo lễ hội được tổ chức theo phong tục truyền thống, đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống hàng quán đảm bảo mỹ quan, phân công đội ngũ giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông, nơi trông giữ xe… để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách.
Với lễ hội Kinh Dương Vương, sẽ tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 14 -19 tháng Giêng âm lịch, với các lễ rước nước, rước bài vị, lễ dâng hương theo nghi lễ cổ truyền... Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều trò chơi dân gian cho du khách tham gia. Đặc biệt, tối ngày 7/3, tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Về miền quan họ” năm 2015 và tổ chức lễ đón Bằng công nhận 2 di tích Quốc gia đặc biệt là Di tích lịch sử khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Lý; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích.
Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết, trong thời gian tới, Sở VHTTDL Bắc Ninh tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện nếp sống văn minh.
Là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, lễ hội Chùa Hương hàng năm đều thu hút rất đông du khách trẩy hội. Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết, với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch", Lễ hội Chùa Hương 2015 sẽ tăng cường quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông đi lại thuận lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm... đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội của khách thập phương và người dân. Đặc biệt, lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ không để tái diễn tình trạng treo thịt động vật tươi sống trong khu vực lễ hội.
Bên cạnh đó, Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức đã tổ chức tập huấn cho các chủ hộ kinh doanh ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ khách thập phương. Những người trực tiếp tham gia chế biến hàng ăn, pha đồ uống ở khu vực Hương Sơn được khám sức khỏe xem có bệnh truyền nhiễm hay không, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Về vấn đề đổi tiền lẻ, chèo kéo khách dọc đường, đặt tiền giọt dầu cũng được BTC đưa ra giải pháp giải quyết triệt để. Bên cạnh việc yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội, BTC cũng khẳng định, những hộ cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu tiền lẻ, niêm phong và chỉ giải quyết sau khi lễ hội kết thúc.
Lễ hội Khai Ấn Đền Trần (Nam Định) năm 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 11 - 16 tháng Giêng âm lịch (từ 1/3 - 6/3 dương lịch), với trọng tâm là Lễ Khai Ấn vào đêm 14 tháng giêng (4/3 dương lịch), và phát ấn cho du khách trong vòng 6 ngày, từ ngày 5/3 đến hết ngày 10/3 dương lịch (từ 15 tháng Giêng đến 20 tháng giêng âm lịch).
Theo BTC, điểm mới của lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2015 sẽ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sớm hơn một tiếng đồng hồ so với năm trước, tức là từ 6 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng. Địa điểm phát ấn vẫn được quy định ở các nhà Giải vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng hoa.
Năm nay, Nam Định đã phục dựng và lần đầu tiên đưa nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào trong các hoạt động của lễ hội (vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 1/3 dương lịch).
Theo bà Cao Thị Tính, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2015, BTC lễ hội cùng UBND thành phố Nam Định đã thành lập các tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần… để phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng, hướng tới một mùa lễ hội an toàn, tươi vui.
Được biết, ở các lễ hội lớn khác như lễ hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), công tác tổ chức lễ hội cũng được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng để đón khách thập phương về trẩy hội.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã có công văn yêu cầu ngành văn hóa các địa phương khắc phục triệt để những tồn tại của mùa lễ hội năm 2014 trong mùa lễ hội năm 2015. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, không để hoạt động dịch vụ về đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội.
Phương Lan