Trường ca “Ngọn Đèn Ngô Gia Tự” do tác giả Nguyễn Tự Lập, đại tá quân đội sáng tác trường ca viết về cuộc đời và sự nghiệp của chiến sỹ cộng sản lỗi lạc tiền bối Ngô Gia Tự, một trong những người sáng lập Đảng ta, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước, dân tộc.
Trường ca được kết hợp nhiều thể loại thơ: Lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt, thơ tự do… phù hợp với diễn biến câu chuyện, với chiều hướng cảm xúc, mức độ tình cảm, nhận thức, hướng lên lý tưởng cao cả của Ngô Gia Tự chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp. Gần một nghìn câu thơ được chia thành bốn chương: Quê hương và thời niên thiếu, Ngọn Đèn bừng sáng, Ánh sáng giữa ngục tù và khúc Vĩ Thanh - Biển hát.
Chín Tự - tên gọi thân mật của đồng chí Ngô Gia Tự sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng, hiếu học. Thân phụ của ông - cụ đồ Ngô Gia Du đã từng theo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do nhà yêu nước Lương Văn Can, Nguyễn Quyền khởi xướng và lãnh đạo. Ngay từ khi còn nhỏ, Chín Tự đã được cụ đồ Du giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thụ tư tưởng cách mạng:
Những năm cắp sách đến trường, Chín Tự luôn luôn là một trò giỏi, hiểu sâu, biết rộng. Ông sống giản dị, chân thành, sẵn sàng giảng bài cho các bạn, đồng thời cũng lại rất khiêm tốn, biết kính trên, nhường dưới. Tốt nghiệp Trường Kiêm Bị (3) Bắc Ninh, ông thi đỗ vào Trường Bưởi.
Chính từ ngôi trường tập hợp nhiều thanh niên trí thức yêu nước, tiến bộ, Chín Tự bắt đầu con đường hoạt động cách mạng, đấu tranh đòi công lý, công bằng. Ông cùng các đồng môn Trường Bưởi tổ chức biểu tình, bãi khóa, đòi lập phiên tòa xử công khai Phan Bội Châu, ân xá cho Phan Chu Trinh.
Tích cực tham gia các phong trào yêu nước, chống chế độ áp bức, hà khắc của thực dân Pháp, Chín Tự bị đuổi học. Ông trở về quê Tam Sơn mở lớp dạy học, tuyên truyền tư tưởng yêu nước, lý tưởng của giai cấp vô sản, tập hợp bạn bè cùng chí hướng, lập “hội kín” hoạt động cách mạng. Từ đây “Ngọn Đèn Ngô Gia Tự” trở nên “bừng sáng”. “Bị đuổi học Chín Tự trở về quê mẹ/Tự học tự rèn với chí khí nam nhi/Nào quản khó khăn, toan tính được mất gì/Vừa dạy học, thi đỗ tú tài…/Vừa tuyên truyền dựng xây cơ sở”.
Trong thời gian ấy, Chín Tự đã thành lập Chi hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam đầu tiên ở làng Tam Sơn. Tháng 3/1929, Ngô Gia Tự cùng Trịnh Đình Cửu và sáu người cùng chí hướng (Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Tuân và Dương Hạc Đính) họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên.
Nguyễn Tự Lập (SN 1949) đang sở hữu hai tập trường ca và tập thơ trữ tình. Năm 1967, tốt nghiệp PTTH, là học sinh ưu tú, anh được tuyển chọn, gửi đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng Nguyễn Tự Lập đã tình nguyện nhập ngũ. Hơn 40 năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nghỉ hưu, anh sáng tác ngay “Trường ca binh đoàn Hương Giang” (xuất bản năm 2011) và cho in tập thơ trữ tình. Năm 2013 anh đã hoàn thành trường ca “Ngọn Đèn Ngô Gia Tự” như một lời tri ân, một nén hương tưởng nhớ người ông cậu Ngô Gia Tự, nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của chiến sĩ cách mạng. Hiện Nguyễn Tự Lập là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. |
Cuối năm ấy, Ngô Gia Tự được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Sài Gòn để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng tại các tỉnh miền Nam. “Đi tới đâu được dân yêu bạn mến/Đồng chí tin, quý trọng, cảm thông/Đều cùng chung tay, dốc sức đồng lòng/Hết mực chăm lo, dành tình thương che chở”. Và Chín Tự cũng đã “Không quản hiểm nguy, với tác phong xông xáo/Anh hòa chung nhịp sống với mọi người/Khi khuân vác, thợ điện, lái xe hơi…/Lúc bến cảng, nhà Dầu… nơi nào cũng đến”.
Sau sự kiện dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc ba tổ chức Cộng sản nước ta hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Chấp ủy Nam Kỳ, vai trò, uy tín và trọng trách của ông càng được nâng cao. “Tổ chức Đảng từ nay hợp nhất/Tăng thêm sức mạnh nơi nơi/Thành ủy Sài Gòn, Chợ lớn… tiếp nối ra đời/Niềm tin mới giữa đô thành cuộn sóng”.
Giữa lúc phong trào cách mạng tại các tỉnh miền Nam phát triển mạnh mẽ như thác đổ triều dâng, thì một tin làm đau quặn lòng người “Ngô Gia Tự không may bị bắt/Có lẽ nào đó là sự thật?/Khi cánh chim đại bàng đang tung cánh khắp nơi/Khi ngọn lửa tin yêu đang bùng cháy giữa triệu người”. Dẫu là một tổn thất rất lớn cho phong trào cách mạng, song lời thơ không hề bi lụy. Ngược lại, Nguyễn Tự Lập thổi vào hồn thơ càng thêm thôi thúc, càng trở nên rộn ràng, hối hả xốc tới như khí phách của người chiến sỹ cách mạng.
Tác giả trường ca bố cục rất hợp lý, chỉ đến khi Chín Tự bị bắt, nghĩa là khi thân thể của ông bị cầm tù, không còn được tự do hoạt động cứu dân, cứu nước, thì ở ông mới hé lộ tình cảm riêng tư, những nỗi niềm nhớ về miền quê, “Nơi có mẹ già đang tháng ngày thầm nhắc/Em gái chờ mong ngày gặp mặt, xum vầy”. Và cũng chỉ đến khi ấy, mới có thể nghe thấy: “Anh khẽ thở dài nghĩ tới cô bạn học/Lúc chia tay không nói được nên lời/Nước mắt nhẹ lăn… cứ nghèn nghẹn… cười cười/Chưa một lần chạm tay mà bồi hồi xao xuyến”. Đó là những tình cảm sâu lắng, chân thực, rất lãng mạn của người thanh niên cộng sản.
Ánh sáng “Ngọn Đèn Ngô Gia Tự” giữa ngục tù càng trở nên chói lọi. Không một hành động tra tấn cực hình nào, không một âm mưu phỉnh phờ mua chuộc nào có thể làm ông hoang mang.
Không khuất phục được bằng bạo lực, gông cùm, kẻ thù định sát hại Ngô Gia Tự bằng cách mượn tay bọn tù nhân lưu manh, trộm cắp. Nhớ lời cha ông dạy “Lấy nhu thắng cương” và chủ trương biến nhà tù thành trường học, Ngô Gia Tự đã ôn tồn kể chuyện lịch sử, những tác phẩm văn học Đông - Tây - Kim - Cổ, dần dần cảm hóa ngay cả những tù nhân gần như không còn tính người. “Bằng phương sách dùng côn đồ ám hại/Đối với anh bị thất bại hoàn toàn/Chúng buộc phải đưa trở lại trại giam”.
Đến Côn Đảo không lâu, Chín Tự được cử vào Cấp ủy bí mật nhà tù. Ông đề ra nhiệm vụ tổ chức đấu tranh bảo vệ tù nhân, đòi nhân quyền. “Bằng kinh nghiệm dạn dày từ thực tiễn đi lên/Ngô Gia Tự chỉ ra hướng đi đúng đắn/Không co mình, phải quyết giành quyền sống/Sống để đấu tranh chiến thắng kẻ thù”.
Vào một đêm trong mùa gió chướng năm 1935 (có sách viết 1934), tổ chức Đảng nhà tù Côn Đảo bố trí để Ngô Gia Tự và một số đồng chí vượt biển trở về đất liền, tăng cường vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khi thời cơ thuận lợi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp. Nhưng, họ đã không thể trở về. “Các anh ra đi về với biển muôn đời/Cho Tổ quốc mình mãi vững vàng trước biển/Cho cánh hải âu sải dài chao liệng/Cho tít tắp chân trời nhộn nhịp cánh buồm nâu!”
Linh Vũ