Theo phóng viên TTXVN tại Italy, gian hàng Việt Nam được trang trí bắt mắt theo phong cách truyền thống và các món ăn Việt rất được yêu thích. Năm nay, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng là khách mời đặc biệt duy nhất tại lễ hội, được lãnh đạo thành phố tiếp đón, dẫn đi tham quan các gian hàng trong lễ hội, cũng như mời trao tặng phẩm cho những người tổ chức lễ hội.
Tại buổi làm việc với Thị trưởng Bagnara di Romagna, ông Mattia Galli, Đại sứ Dương Hải Hưng rất xúc động với tình cảm ấm áp, chân tình của các nhà lãnh đạo thành phố. Đại sứ cũng bày tỏ ấn tượng với quy mô của lễ hội, nơi gặp gỡ của các dân tộc và chia sẻ văn hóa trong một không gian hữu nghị quốc tế với sự tham gia của 23 quốc gia. Đại sứ đã thông báo với ban lãnh đạo thị trấn về chính sách của Việt Nam miễn visa 45 ngày cho công dân Italy, cũng như kế hoạch mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Trong khi đó, Thị trưởng Mattia Galli bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đại sứ Dương Hải Hưng và bà Lê Thị Bích Hường, Tổng Thư ký Liên minh Chủ tịch các hội người Việt tại Italy. Ông thông báo về thành công của lễ hội được tổ chức hằng năm này và đánh giá cao những hoạt động của gian hàng Việt Nam, góp phần giúp văn hóa và ẩm thực Việt Nam lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Thêm vào đó, triển lãm ảnh về đất nước, con người, ẩm thực Việt Nam, cùng các bộ trang phục và nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, trống, chú Tễu… cũng lần đầu được Đại sứ quán và Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam - Italy dày công tổ chức tại ngay tại tầng dưới Viện bảo tàng của thị trấn, giúp những người tham gia lễ hội có cái nhìn cụ thể, trực quan hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cựu Thị trưởng Bagnara, ông Riccardo Falcone, cho biết: “Festival này ra đời cách đây 16 năm, với tinh thần tự nguyện nhằm xóa bỏ những định kiến đối với các dân tộc khác. Đối với chúng tôi, việc tổ chức festival nghĩa là hiện thực hóa khái niệm sống trong tình huynh đệ giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam tại Bologna là đối tác quan trọng của lễ hội, hoạt động rất tích cực, đóng góp nhiều ý tưởng và cả nguồn hỗ trợ tự nguyện và hữu nghị cho lễ hội”.
Còn ông Massimo Bellotti, Giám đốc nghệ thuật của Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara, chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã luôn đồng hành và hỗ trợ gian hàng của cộng đồng Việt Nam. Phải nói rằng gian hàng Việt Nam đã tiếp tục khẳng định được thành công lớn khi thu hút rất nhiều thực khách kiên nhẫn chờ đến lượt thưởng thức món nem rán, nem lụi, nem chay, bánh xèo. Bởi vậy, đây thực sự là một nhịp cầu văn hóa, qua đó để người dân chúng tôi biết đến các món đặc sản và có thể trực tiếp giao lưu trong một bầu không khí tươi vui với các thành viên “Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa”, cũng như với các dân tộc khác cùng hiện diện tại lễ hội này”.
Những thực khách Italy và quốc tế tham dự lễ hội háo hức chờ đợi thưởng thức các món Việt Nam 3 miền được chế biến trực tiếp ngay trước mặt thực khách, tươi ngon và đảm bảo vệ sinh.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Daniel Mercatali cho biết: “Tôi rất thích món nem chay, được làm từ các loại rau, gia vị và gói trong vỏ nem gạo, cũng như món bánh xèo mềm xốp, giòn tan. Nem lụi, chả lá lốt và cơm rang ngũ vị cũng rất hấp dẫn và lạ miệng. Chúng tôi mong cả năm để lại được ăn những món Việt Nam này”.
Những người chế biến ra các món ăn Việt Nam truyền thống để giới thiệu cho thực khách Italy và nước ngoài là các thành viên của Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam - Italy. Các anh chị đã tình nguyện bỏ ra thời gian và công sức từ nhiều ngày trước để chuẩn bị những món ăn truyền thống ngon miệng và đẹp mắt.
Bà Flavia Santonico, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam - Italy cho biết: “Hiệp hội chúng tôi ra đời với các thành viên ban đầu là những bậc cha mẹ đã nhận nuôi trẻ em người Việt. Do đó, chúng tôi đều hiểu rõ đất nước và từng đến thăm nhiều nơi ở Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi rất tự hào về chị Hường, Chủ tịch Hội, người hỗ trợ sự trưởng thành của con cái chúng tôi trong cái nôi văn hóa Việt Nam, nuôi dưỡng tình yêu đối với đất nước đã sinh ra các con. Trong đó, con gái tôi, sau khi học xong đại học, đã trở về thực tập ở Việt Nam trong 6 tháng. Chúng tôi vẫn thường gặp lại nhau ở Việt Nam. Con cái chúng tôi vừa là người Italy, đồng thời là người Việt Nam. Đây là một hiệp hội thật tuyệt vời. Tôi yêu mến, trân trọng đất nước Việt Nam và rất vui mừng được giới thiệu ẩm thực, văn hóa và truyền thống Việt Nam đến người dân Italy và quốc tế”.
Không chỉ là những đầu bếp giỏi, chính các anh chị hội viên còn là những ca sĩ, diễn viên múa đầy đam mê. Sau những giờ đứng bếp, các anh chị lại thay quần áo, ra sân khấu lớn để biểu diễn. Chủ đề chính của lễ hội năm nay là về các nước Đông Nam Á. Các anh chị đã mặc các trang phục truyền thống để tham gia diễu hành tại lễ hội. Hai tiết mục múa sư tử và hát quan họ được các anh chị biểu diễn ở quảng trường chính đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem, khiến những người con đất Việt cảm nhận được lòng tự hào dân tộc giữa lòng Italy.
Qua 6 lần tham gia lễ hội này, đất nước và con người Việt Nam trở nên ngày càng quen thuộc với người dân Italy và bạn bè quốc tế trong khu vực. Trong triển lãm búp bê tại lễ hội năm nay, chúng tôi nhìn thấy lá cờ và búp bê Việt Nam. Khi được hỏi, bà chủ phòng trưng bày búp bê Klare Trabalza nói: “Đây là bộ sưu tập của mẹ tôi, người chưa bao giờ đi du lịch, nhưng lại được nhiều người bạn tặng búp bê. Bà đã rất trân trọng và lưu giữ chúng. Thông qua lễ hội, chúng tôi đã hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và con gái tôi đã chọn Việt Nam cho chuyến đi nghỉ trăng mật hồi tháng 2 vừa qua”.
Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara tạo cầu nối giữa các thế hệ, các dân tộc và các nền văn hóa. Lễ hội năm nay thu hút hơn 20.000 lượt người tham dự. Như chị Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam - Italy nhận xét, lễ hội được tổ chức hằng năm này là dịp rất tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam. Qua lễ hội, tình yêu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam đang dần đi đến trái tim của bạn bè Italy.