Chương trình này chỉ mới được phát thử nghiệm qua kênh thông tin Youtube (đến nay vẫn chưa bị xóa đi), nhưng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đã vào cuộc điều tra, rà soát lại hơn 20 tập talk show để định lượng mức độ vi phạm và dựa vào đó đối chiếu với pháp luật để tìm ra mức xử phạt hợp lý.
Sự đi xuống của văn hóa và ngôn ngữ
Thu Thảo, Hoa hậu Việt Nam 2012 cho biết: "Tôi biết ở nước ngoài có những chương trình như vậy và tôi cũng thấy hay, nhưng ở Việt Nam hiện tại tôi thấy làm chưa đúng chất và không phù hợp với văn hóa. Tôi xem mà chẳng thể cười được một điểm gì trong đoạn clip này. Show giải trí nhưng tôi nghĩ cũng cần thiết có tính nhân văn trong đó. Chê có nhiều cách chê, chứ không phải là mang vẻ bề ngoài của người khác ra làm trò, cười cợt và dè bỉu. Cái đáng sợ nhất là có những người tự cho mình cái quyền dè bỉu, chê cười vẻ bề ngoài, ngoại hình của người khác, nếu xã hội ai cũng hưởng ứng phong trào như thế thì quả thật quá kinh khủng".
Talk show “Những kẻ lắm lời” sẽ bị xử phạt. |
Ca sĩ Đông Nhi cũng là một trong những nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề vì chương trình này. Cô đã viết tâm thư cho chương trình: “Nhi hiểu, mọi người đang làm theo format “nói thẳng, nói thật” không sợ đụng chạm nhưng không có nghĩa là thô tục. Nhi đã từng xem nhiều chương trình của nước ngoài nhưng áp dụng vào văn hóa Việt, cũng cần phải xem xét. Và Nhi nghĩ không có đất nước nào mà văn hóa nói tục nói bậy, chỉ trích nặng nề được cổ suý, nhất là chương trình dành cho giới trẻ như thế này”. Đại diện của ca sĩ Đông Nhi cho biết đang tìm hiểu về ảnh hưởng của những phát ngôn đó đến hình ảnh của Đông Nhi, nếu mọi việc đi quá xa sẽ nhờ cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.
Có “thâm niên” xử lí những khủng hoảng truyền thông, nhà báo Hồng Quang Minh cho rằng: “Trong thời đại của Facebook và Youtube, mỗi một người tham gia với một tài khoản miễn phí đều có thể là một “tổng biên tập”. Có thể khi họ tỏ ra yếu kém và mất tự tin trong việc “biên tập” bản thân mình, họ thích đi “biên tập” tai nạn của người khác với những lời chê và lôi kéo những người khác tạo nên những “tổng biên tập” a dua.
Việc quản lý và xử phạt còn nhiều lỗ hổng
Youtube là một trang mạng xã hội của nước ngoài, cho phép lập tài khoản đăng nhập cá nhân để sử dụng, mà không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Với hình thức này, Youtube thường có thể vô can khi có bất kì điều gì xảy ra. Nó được dùng như một kênh thông tin mà không có sự rà soát và kiểm duyệt về nội dung video, như vậy bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tạo tài khoản và truyền tải thông tin đến cộng đồng công chúng rất lớn. Chính vì sự dễ dàng sử dụng và kết nối, mà Youtube trở thành kênh thông tin được ưa dùng và có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Dựa vào đặc điểm này, nhiều sản phẩm văn hóa vẫn còn tồn tại rất nhiều “sạn”, chưa được qua kiểm duyệt của cơ quan quản lý văn hóa vẫn được đăng tải trên Youtube và được chia sẻ tràn lan trên mạng. Đó là một trong những lý do khiến hết nhạc “rác” lại đến phim “tục” đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, vẫn có đất sống và phát triển tự do trên mạng. Vậy có thể xử phạt Youtube hay không khi mà trang cộng đồng video trực tuyến lớn nhất thế giới này lại không hề có đại diện ở Việt Nam? Xem ra để tiến hành xử phạt Youtube là rất khó khăn.
Việc xử phạt nhóm làm chương trình sẽ được căn cứ theo Nghị định số 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm g khoản 3 Điều 66).
Từ thực tế này cho thấy, việc quản lý và xử phạt các trang web nước ngoài hiện nay ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng. Cho đến nay, Bộ Thông tin - Truyền thông vẫn chưa tìm đưa ra được quyết định cụ thể. Với đà phát triển như vũ bão của các trang mạng trực tuyến hiện nay, sự bùng nổ thông tin mạng tràn lan khó kiểm soát, việc cần kíp phải đưa ra những chế tài và quy định cụ thể để siết chặt các vấn nạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được quan tâm hơn nữa.