Nhân vật chính của chương trình là CEO Phạm Thị Yến Nhi - Sáng lập kiêm TGĐ Công ty giải trí Mầm Trúc Tanabata.
Hai khách mời là CEO Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark và ông Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.
Sau 5 năm trời tâm huyết, nỗ lực, giờ đây CEO Yến Nhi cảm thấy không còn chút năng lượng nào. Lẽ nào sự nghiệp kinh doanh sẽ phải dừng lại ở đây?
Phạm Thị Yến Nhi quyết đi theo con đường kinh doanh ngay từ đại học năm nhất. Để trau dồi kinh nghiệm, Yến Nhi làm thêm đủ nghề, từ phụ ở quán cà phê, đến làm bartender, rồi quản lý cho một bar chuyên phục vụ người Nhật. Qua đó, chị học cách tiếp cận khách hàng, quản lý dòng tiền, nhân sự… Chị ấp ủ ước mơ, chờ thời cơ khởi nghiệp.
Giai đoạn 2010-2012, thiên tai và bùng nổ dân số khiến người Nhật dịch chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Việt Nam ngày càng nhiều. Thị trường giải trí dành cho khách Nhật lại đang bỏ trống. Vừa lúc tốt nghiệp đại học, Yến Nhi chớp cơ hội, mở công ty MT khi vừa 23 tuổi. Tuổi quá trẻ, kinh nghiệm thiếu, nguồn lực non, lại kinh doanh lĩnh vực gai góc; nên Yến Nhi sớm gặp thất bại.
Mới sau một năm, mô hình bị sao chép tùm lum, hàng loạt nhân viên bị các đối thủ mới mở lôi kéo xin nghỉ việc. Khách cũng thưa dần, hàng tháng liên tục phải bù lỗ khiến chị chán nản. Chị quyết định dừng kinh doanh và mang toàn bộ số tiền còn lại đi làm từ thiện.
Đúng dịp Philippines gặp thiên tai, chị gom đồ sang Bali. Khoảnh khắc nhìn thấy những nạn nhân sóng thần trân trọng từng đôi dép trị giá 1 USD; chị bừng tỉnh nhận ra mình còn quá may mắn, vậy mà mình đã không nỗ lực hết mình.
Trở về Việt Nam, chị quyết tâm xây dựng lại từ đầu. Sau khi nghiên cứu, phân tích các đối thủ, chị xác định: Có cạnh tranh mới có phát triển. Đây là thời điểm để mình chứng minh sự khác biệt và nổi trội.
Chị chọn thêm đối tác, cùng nhau tập trung vào chất lượng dịch vụ, đào tạo kỹ năng cho nhân viên thật tốt và truyền cho họ tình yêu với công việc. Dần dần, họ tạo nên một MT có “chất” riêng, lượng khách hàng ngày càng lớn, doanh thu rất tốt.
Sau khi ổn định mô hình kinh doanh, họ bắt đầu phát triển chuỗi, mở đầu là 2,3 chi nhánh. Rồi con số lên tới 20 quán, từ Nam ra Bắc, “lấn sân” cả Campuchia, Malaysia….
Khi Yến Nhi đang say sưa với chiến thắng, thì cũng là lúc giông tố giáng xuống đầu. Khi “miếng bánh” phình ra, áp lực ngày càng lớn, đối tác của chị xoay qua dịch vụ kiểu bình dân để tăng doanh số, nhưng chị kiên quyết chất lượng là hàng đầu. Cuộc đấu tranh đã dẫn đến cuộc chia tay không hẹn trước. Hậu “chia ly”, chị chỉ còn 10 quán, nhân viên xin nghỉ việc tới một nửa. Chị cấp tốc tuyển mới, nhưng phải mất thời gian đào tạo. Khách hàng thưa dần, người chê nhân viên “quá non”, người chê giá cao, có người còn đặt câu hỏi về sự “tan đàn xẻ nghé” của công ty. Trong 3 tháng doanh thu đã sụt giảm tới 50%. Trong khi các chi phí thuê mặt bằng, thuê người làm, điện, nước, đủ thứ vẫn phải trả.
Cú sốc lớn sau 5 năm gây dựng sự nghiệp khiến Yến Nhi mất hết năng lượng. Có những ngày, chuẩn bị đi làm, chị lại quay trở lại, mệt mỏi nghĩ tới cảnh quán đìu hiu, vắng khách…
Trong hoàn cảnh đó, CEO sẽ làm gì để vượt lên và vực dậy việc kinh doanh? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.
Trailer chương trình: