Nhân vật chính của chương trình là CEO Lê Xuân Tùng - Chủ tịch HĐQT Thương hiệu Thời trang Biluxury.
Hai khách mời là CEO Thái Quốc Minh - Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc CTS-Trung tâm Khoa học Tư duy- Bộ KH&CN.
CEO Tùng mê làm giàu từ rất sớm. Ngày bước chân vào học đại học, anh quyết định xây dựng công thức làm giàu của mình. Anh đọc hàng trăm cuốn sách kinh doanh, về các doanh nhân thành đạt. Phát hiện ra nhiều Big Boss Châu Á lớn lên từ ngành dệt may, CEO Tùng quyết định mở đầu công thức của mình.
Hai năm đầu đại học, anh làm đủ nghề, vừa để kiếm tiền học, vừa tích luỹ vốn sống. Có được chút vốn, anh mở hàng trà đá, cafe, rồi quán phở, nhưng không cái nào trụ được quá 12 tháng. Liên tục thất bại, nhưng anh Tùng không nản, vì chúng đã có trong công thức của anh. Người doanh nhân phải lên bờ xuống ruộng.
Tốt nghiệp đại học, anh quyết định khởi nghiệp. Đúng công thức, anh Tùng chọn ngành may mặc. Anh Tùng cũng chọn luôn sản phẩm và phân khúc khách hàng là giới sinh viên. Sản phẩm là đồ nam giá rẻ, đúng nhu cầu của giới này.
Bán xe, vay thêm được tất cả 26 triệu, anh lên biên giới tìm nhập hàng, anh chọn phương thức kinh doanh online. Nhập tận gốc, bán tận ngọn nên chỉ sau 6 tháng anh đã trả hết nợ. Một thời gian sau, khi đã tích lũy được một khoản vốn, anh chuyển sang bước thứ 2: Đầu tư sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng của mình. Đây chính là bài học từ các Big Boss trên thế giới.
Năm 2011, anh Tùng lập Công ty, bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật, tìm địa điểm, tìm mua máy móc, tuyển dụng nhân sự. Tháng 1/2012, anh chính thức có xưởng may của mình.
Nhưng háo hức bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Những lô sản phẩm lần lượt bị ném vào thùng rác vì chất lượng không đạt. Chỉ trong hơn một năm, bao chi phí nhân công, nguyên liệu, tiền thuê nhà xưởng bị “ném qua cửa sổ”.
Xem xét lại vấn đề, anh Tùng nhận ra trong công thức của mình bị khuyết khâu nhân sự. Anh quyết định tuyển dụng, chọn lọc, đào tạo đội ngũ nhân sự bảo đảm yêu cầu. Cuối năm 2013, anh T đã có trong tay một đội ngũ nhân sự giỏi, từ R&D đến thiết kế, kỹ thuật. Sản phẩm của anh bắt đầu được đánh giá cao về chất lượng và được thị trường đón nhận. Anh áp dụng chính sách “đồng chủ”, theo đó, người lao động được tham gia đầu tư theo từng lô hàng và cùng hưởng lợi nhuận. Cả công ty bừng lên khí thế.
Bước tiếp theo, anh tập trung đầu tư 30 điểm bán hàng. Anh tin mình đã hoạch định theo đúng công thức và chờ đợi chiến thắng vang dội.
Nhưng một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua… khách ngày một thưa dần, doanh thu thấp dần rồi xuống âm. Anh cố gắng sử dụng toàn bộ vốn tích luỹ, vay mượn thêm để duy trì hệ thống….nhưng trời cứ tối dần. Năm 2014 thì toàn bộ 30 điểm bán của anh sập hẳn.
Anh trắng tay, số nợ đã vượt quá khả năng chi trả. Anh Tùng thấy hoang mang tột cùng. Công thức làm giàu của anh đã sai ở đâu? Hay tại anh không có tố chất làm kinh doanh? Anh bần thần, rối loạn, mất phương hướng...
Trong hoàn cảnh này, CEO sẽ làm gì để vực dậy? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.