Ngày 19/8/2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có công văn số 352 /MTNATL, kèm những mẫu vật là linh vật Việt Nam đến các địa phương, gửi tới Sở VHTTDL các tỉnh, thành, các thanh tra văn hóa; để nghiên cứu, lấy đó làm cơ sở tham khảo, đối chiếu nhằm hạn chế và từng bước loại bỏ những biểu tượng, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích.
Từ những quan niệm sai lầm
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh thực trạng nhiều địa phương đã trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, (như sư tử đá kiểu Trung Quốc, phương Tây và một số vật phẩm khác) ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng…
Một trong những mẫu linh vật Việt Nam được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm giới thiệu làm mẫu. Ảnh: ape.gov.vn |
Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, việc các biểu tượng, linh vật lạ xuất hiện và được sử dụng tràn lan ở nước ta có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân là những quan niệm sai lầm mà về sự linh thiêng của sử tử đá như: Có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sử tử đá giúp phát tài phát lộc… Chính vì vậy mà nhiều người đã mua để cung tiến cho các đình, chùa, hoặc trưng bày trước cổng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của cha ông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng tràn lan các mẫu vật không phù hợp với văn hóa truyền thống của cha ông, do không phân biệt được sư tử Việt Nam và sư tử Trung Quốc hay sư tử của phương Tây…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, việc đưa sư tử ngoại lai vào di tích cha ông là sự xóa nhòa bản sắc, làm méo mó lịch sử, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc mà ông cha ta đã ngàn đời vun đắp.
Nhanh chóng vào cuộc
Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) có công văn gửi các bộ, ngành địa phương yêu cầu không trưng bày, sử dụng các biểu tượng, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ngày 19/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã thu thập những mẫu linh vật của Việt Nam gửi các địa phương để lấy đó làm cơ sở tham khảo, đối chiếu nhằm hạn chế và từng bước loại bỏ những biểu tượng, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích.
Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Chúng ta nên sử dụng con Nghê để thay thế những con sư tử đá Trung Quốc. Sau Nghê, tôi nghĩ đến con voi. Nghê và voi là hai con vật có thể đặt ở cơ quan công sở và đình chùa. |
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục Trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cùng với việc phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật chọn lựa các mẫu linh vật, vật phẩm truyền thống của Việt Nam và giới thiệu để mọi người tham khảo, lựa chọn sử dụng; Cục cũng sẽ tham gia tuyên truyền để thay đổi nhận thức của những người có nhu cầu sử dụng các biểu tượng, linh vật, của các đơn vị, cơ quan, làm sao để họ biết lựa chọn và sử dụng biểu tượng, linh vật Việt Nam, đồng thời thay đổi nhận thức của những người chế tác tượng đá, tuyên truyền, vận động, giải thích cho những người chế tác tượng đá hiểu, để họ sản xuất ra đúng kiểu mẫu mã của các biểu tượng, vật phẩm theo đúng truyền thống văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian. Ông Thành khẳng định, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này.
Nguyễn Việt Sơn