Phách ả đào tưởng đã thất truyền
Ngày 14/11/2017, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhóm Ả đào Phú Thị cùng các quan viên đã trình diễn các thể cách hát cửa đình cổ điển, trong đó có những thể cách lần đầu tiên được “sống dậy” sau hàng chục năm “ngủ yên” trong những cuốn băng cũ nát như giáo nhạc - hát giai - giáo hương, Phú Kiều, Hãm cửa đình... Buổi trình diễn đã mang đến cho người xem những cảm xúc khó quên.
Nhóm Ả đào Phú Thị trình diễn hát cửa đình tại buổi báo cáo kết quả dự án. |
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan chia sẻ, ông vô cùng thán phục và đặc biệt ấn tượng với buổi trình diễn, bởi ông đã nghe được tiếng phách rất “phách ả đào”, tiếng phách không hụt, không thiếu, rất chuẩn mực. Đồng thời, ông nghe được hai giọng hát chuẩn mực cũng rất... ả đào, như ông đã từng nghe các nghệ nhân lừng danh ngày xưa hát.
Các tiết mục trong buổi trình diễn là kết quả của khóa tập huấn nhạc Ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới, được nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu dự án “Bảo tồn và phát huy di sản ca trù tại Hà Nội” thực hiện.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, bắt đầu từ tháng 9/2014, với tư cách cá nhân, ông đã dành toàn lực tiến hành dự án nghiên cứu âm luật nhạc Ả đào cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc Ả đào ở cả 2 không gian: cửa đình và ca quán.
Ngay trong cuộc điền dã đầu tiên, khi phát hiện ra nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ còn nhớ được các bài bản Ả đào thuộc không gian hát cửa đình cổ xưa, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã nhanh chóng kết nối với NSƯT Đỗ Quyên, để CLB Ca trù Hải Phòng tiến hành gấp rút một dự án truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ.
Sau 4 tháng miệt mài học tập, đến ngày 14/1/2015, lần đầu tiên sau 60 năm vắng bóng mai một, trình thức hát cửa đình của nhạc Ả đào cổ điển đã được các nghệ nhân CLB ca trù Hải Phòng biểu diễn thành công, bước đầu chính thức sống dậy. Sau đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại tiếp tục tiến hành các nghiên cứu cơ bản về âm luật Ả đào. Ông tìm kiếm từ các nguồn tư liệu quý hiếm, trong đó có những tư liệu được phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát và phát hiện ra nhiều thể cách tưởng như thất truyền, hoặc chưa từng có tài liệu nào nhắc đến... rồi tiến hành ký âm, phân tích, sau đó mang về Tứ Kỳ - Hải Dương, nhờ cụ Nguyễn Phú Đẹ thẩm định... Cho đến đầu năm 2016, các nghiên cứu cơ bản của công trình đã hoàn thành.
Truyền dạy theo phương pháp tiếp cận mới
Cuối tháng 2/2017, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật để truyền dạy cho nhóm Ả đào Phú Thị - gồm các đệ tử chân truyền của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Với phương pháp này, các đào kép, ca nương được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... từ đó nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển, để có thể học đàn hát ca trù một cách mẫu mực. Đến tháng 8/2017, nhóm đào kép học viên tiếp tục phục dựng các thể cách hát cửa đình cổ điển lần thứ hai.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, trong lần phục dựng lần này, bên cạnh vốn bài bản học từ thầy Nguyễn Phú Đẹ, còn có các bài bản của các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban - đều là những bậc tài danh của một gia đình/dòng họ Ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa. Trong đó, có những thể cách rất độc đáo, thậm chí khác hẳn với một số bài bản giáo phường Hải Dương mà cụ Đẹ đã truyền dạy.
Kết hợp 2 nguồn tư liệu, cuối cùng các đào kép của dự án đã hoàn thành khóa tập huấn với album “Hát cửa đình”, bao gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó, có những thể cách lần đầu tiên sống dậy sau hàng chục năm “ngủ yên” trong mấy cuốn băng cũ nát như: Giáo nhạc - Hát giai - giáo hương, Thét nhạc, Phú Kiều, Hát lót, Hãm cửa đình, Dựng huỳnh - Nói huỳnh, Hát bỏ bộ...
Bên cạnh lớp đào kép, từ cuối tháng 8/2017, nhóm dự án cũng đào tạo một lớp quan viên Ả đào theo đúng chuẩn mực cổ điển của thời hoàng kim lịch sử. Nhưng khác với lối học cổ truyền, tương tự như đào kép, các quan viên khóa tập huấn cũng học đánh trống chầu theo phương pháp tiếp cận mới. Có nghĩa là, họ được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... từ đó nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển, để có thể điểm chầu một cách mẫu mực.
Ca nương Vũ Thùy Linh, nhóm Ả đào Phú Thị chia sẻ, khi học hát theo phương pháp mới này, chị biết được trong câu hát ca trù có bao nhiêu nhịp, và khi vào phách cần như thế nào, rồi đến khổ hát sau sẽ có bao nhiêu nhịp... điều mà trước đây chị chưa hiểu rõ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đánh giá cao phương pháp tổng kết từ tiếng hát, tiếng phách, tiếng đàn, tiếng trống của các nghệ nhân lừng danh, thành các quy luật chuẩn mực trong nghệ thuật cổ điển của ả đào, và ứng dụng trong đào tạo một cách hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, dự án nghiên cứu này rất thiết thực, cần triển khai sâu rộng, lâu dài, bởi dự án kết hợp rất tốt giữa việc nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu đó vào thực hành trong việc đào tạo ca trù, đưa ca trù đạt đến chuẩn mực của ca trù cổ điển.
“Công trình này làm ‘sống lại’ giọng hát, tiếng đàn, cách hát của các nghệ nhân danh tiếng như Quách Thị Hồ, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Khắc Ban...”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.