Một lần nữa, những bài báo sau nhiều chuyến đi trong cuốn “Dưới gầm trời lưu lạc” thể hiện rõ chất con người biết “chiến đấu” với cái xấu, biết rung động, đồng cảm, biết đau xót, vui sướng; biết cách trải nghiệm, tận hưởng, sống đến tận cùng với ái ố hỉ nộ. Và trên hết, điều đọng lại nhất sau tất cả là thái độ, trách nhiệm với từng trang viết - sự tử tế lương tâm nhà nghề.
Đỗ Doãn Hoàng “nghiện đi”, viết khỏe. Đọc “Dưới gầm trời lưu lạc” càng thấy rõ cái sự “nghiện đi” của anh, theo đúng nghĩa “dịch chuyển”, “xê dịch”. Nơi nào cần đến, nên đến và nhiều người mơ được đến thì đều đã đặt chân tới. Châu Phi, Ấn Độ, nước Nga, Thụy Sỹ, Hà Lan, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... Những địa điểm danh bất hư truyền: Tây Tạng, Mũi Hảo Vọng, Cánh Đồng Chum, Tam Giác Vàng, Angkor, Biển Hồ... đều đã mục sở thị.
Thời đại công nghệ thông tin, internet về tận đường quê ngõ xóm, không khó gì tìm thông tin về những miền đất huyền thoại. Nhưng đọc: Ấn Độ, sóc và chim, Những chiến binh đạp sóng trên Biển Hồ, Chầm chậm đi qua một nước Nga tráng lệ, Châu Phi trên sa mạc và trong rừng thẳm, Tây Tạng - giọt nước mắt giữa lưng trời tuyết trắng, Trong ánh sáng thiên đường của các loài muông thú, Tiếng gà trưa ở Tam Giác Vàng, Ở bộ tộc “hươu cao cổ”... mới thấy giá trị của sự trải nghiệm là được sống trong tột cùng cảm xúc, ở đó con người ta bộc lộ mình rõ nhất, thật nhất, thấm thía nhất.
Mỗi miền đất tác giả đặt chân đến, không đơn thuần chỉ để thêm vào danh sách ngày càng dài ra những địa chỉ nổi danh trên thế giới mà hẳn người đi rất tự hào (mà thực tế là rất đáng để tự hào); mà còn truyền cảm hứng cho những ai đọc nó, kích thích họ lên đường. Và tôi cho rằng, hẳn các hãng du lịch và cả những đất nước, vùng lãnh thổ trên phải vui mừng lắm vì có người đã “làm du lịch không công tuyệt vời” cho đất nước của họ như thế này.
Đặc biệt, không ít bài viết trong cuốn sách này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhắc đến sự “tử tế”, mà bản thân anh cũng “vui lưu lạc dưới gầm trời và gặp những người lưu lạc một cách tử tế trên bề mặt quả đất”. Tôi thích cách anh dùng từ “tử tế” đó. Tử tế trong ý nghĩ, thái độ, trong cách ứng xử của con người với nhau và trong cách ứng xử của con người với thiên nhiên ở mọi tình huống, hoàn cảnh. Bởi đó luôn là thứ mà người ta mong đợi nhất, để lại và mang lại giá trị nhất dù có vẻ như ngày càng trở nên ít đi trong ngổn ngang bộn bề cuộc sống hiện tại.
Tử tế - phải học mới làm được
Trong cuộc hành trình du hí qua rất nhiều quốc gia, chiêm ngưỡng các danh thắng huyền thoại và không thể đặt ra hàng ngàn câu hỏi tại sao họ lại giữ/làm được như thế: Thụy Sỹ - các hồ xanh và núi trắng tuyết, nơi được biết đến là “quốc gia đáng sống nhất hành tinh”; Vatican - thành quốc nhỏ nhất thế giới (chỉ 0,4 km2) mà sao hội tụ lắm bảo tàng, lắm tác phẩm mà nhân loại phải nghiêng mình kính trọng; lý lẽ nhân văn nào để người Hàn chăm bẵm kỳ quan đường hoa hơn nghìn cây hoa anh đào cổ thụ 30 - 40 năm tuổi trên con đường huyền thoại Yunjug tại thủ đô Seoul cho con cháu mình; hay Vườn quốc gia Kruger ở châu Phi với những loài hoang thú - một thiên đường có thật trên mặt đất với sự sum vầy kỳ lạ của động vật rừng ở trạng thái tự nhiên với hươu, nai, ku-du..., cứ chạy vàng cả nhiều rông núi. Chúng được bảo vệ, bảo tồn theo đúng nghĩa, khi bạn đến đó tham quan du lịch phải tuyệt đối tuân thủ theo biển chỉ dẫn “nói khẽ, vì muôn thú đang ngủ”...
Sự tử tế đáng trân quý nhất, chính là cuộc gặp gỡ với những nhân vật ở Việt Nam, “những kẻ lưu lạc từ mái ấm gia đình bị ném ra hè phố”. Để thêm nhiều lần nữa, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lại khôn nguôi trăn trở, thương cảm cho những người già sống vất vưởng, co ro trong những tấm chăn mỏng khi đèn đường đã tắt; những em bé, phụ nữ bị lạm dụng... rồi họ sẽ ra sao? |
Tất cả, dù là kỳ quan thiên nhiên hay do con người tự tạo ra, đẹp đến mê hoặc và trường tồn, lôi kéo du khách đến rồi khi còn chưa kịp về đã mong có ngày quay trở lại, đều được nhận diện là “sự tử tế”. Tử tế trong cách làm du lịch, tử tế trong cách đối đãi với du khách để họ sẵn sàng móc hầu bao dù tốn bao nhiêu đi nữa mà rất vui vẻ và cảm thấy “đáng đồng tiền bát gạo”; đặc biệt là tử tế trong đối đãi với thiên nhiên.
“Người Hàn Quốc luôn tỏ ra nâng niu các giá trị thiên nhiên do bàn tay con người chăm bẵm mà có. Và du lịch của họ đã hốt bạc nhờ sự công phu đầu tư từ ý tưởng rất nhân văn cho đến sự tử tế với môi trường một cách bài bản kia”, “Rất lãng mạn và tử tế. Họ trồng cho họ, trước khi tính đến việc hoa tỏa hương và tạo ra mật ngọt quyến rũ du khách đem tiến tới tiêu xài ở xứ kim chi” (Sang Hàn Quốc mà mua núi lửa); “Tử tế với thiên nhiên, với họ, đã như là một thứ tôn giáo” (Hơi ấm ở Lục Địa Đen); vì sao Thụy Sỹ giữ được những hồ nước xanh thế, đẹp đến ảo mộng, bởi “Họ thượng tôn giá trị vốn có của vỏ trái đất một cách tinh tế và tử tế.
Cái đó phải học mới làm được. Cái đó lắm tiền kiểu trọc phú cũng chả làm được, huống nữa mà đã nghèo lại còn sân si chẳng cầu tiến” (Thụy Sỹ, núi trắng hồ xanh, chỉ ghé thăm thôi, thì tiếc lắm!) hay “Người thành phố này rất có trách nhiệm với vẻ đẹp không tì vết của quê mình. Tôi và họ cùng hiểu rằng, sự tử tế đó sẽ giúp “con gà đẻ trứng vàng” (kinh doanh du lịch) bước ra” (khi nói về thị trấn Thiên thần ở Thụy Sỹ - nơi mà rừng sạch tinh tươm, bà con không vứt rác bừa bãi bao giờ)... Điều này đáng để du lịch Việt Nam suy ngẫm.