Nhiều nội dung trong dự án Luật Điện ảnh sửa đổi lần này đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các nhà quản lý và giới làm phim.
Sửa đổi để phù hợp với thực tế
Có thể khẳng định, qua 14 năm thực hiện, Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của ngành điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh.
Nhà nước đã có chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, các quy định về việc thành lập cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim... đã đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân…
Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Chính vì vậy, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong đó, nhiều nội dung nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Ví dụ như vấn đề quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu trữ phim; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế trong và ngoài nước và chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh... đã được đưa vào trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của điện ảnh thời đại công nghệ số như hiện nay.
Một trong những vấn đề được chú ý, bàn thảo nhiều là việc quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 21, Dự án Luật Điện ảnh đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng. Trong đó, phương án 1 là hậu kiểm, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 32 và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
Phương án 2 là chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì mới được phép phổ biến trên không gian mạng. Đối với phim chưa được cấp phép phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng…
Cả hai phương án trên đều có những ưu, nhược điểm riêng. Theo đó, nếu áp dụng phương án 1 thì sẽ tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để. Còn nếu áp dụng phương án 2, với khối lượng đăng tải và truy cập phim như hiện nay là rất khó để có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này.
Trong quá trình thẩm tra, thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề xuất phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước…
Nhiều băn khoăn về kiểm duyệt
Mới đây, giới làm phim đã có cuộc thảo luận, tọa đàm online về những bất cập của Luật điện ảnh cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, phát triển nền điện ảnh Việt những năm qua; đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được Ban soạn thảo thảo luận và chỉnh sửa.
Một trong những vấn đề được các nhà làm phim quan tâm kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh. Chia sẻ về việc các đề tài như chiến tranh, đời sống tâm linh… bị kiểm duyệt nhiều và không được phát hành, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, cần có một định nghĩa rõ ràng về "gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước". Ví dụ trong trường hợp phim lịch sử nói về những cuộc xâm lược của kẻ thù với dân tộc ta có bị xem là gây hận thù giữa các dân tộc hay không?
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng cho rằng, Luật Điện ảnh cần có sự quy định rõ ràng để phân biệt giữa mê tín dị đoan và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa tâm linh. Quy định cấm "làm phim trái tự nhiên" đồng thời cũng tước đi một công cụ quan trọng của người sáng tạo, chính là đi ngược với tự nhiên để mở ra những chân trời mới trong kể chuyện. Những bộ phim khoa học viễn tưởng, hay phim kỳ ảo, đều dựa trên sự đi ngược lại tự nhiên và đặt ra những quy luật mới cho những thế giới kỳ ảo đầy sự tưởng tượng của người làm phim… nên khi bị hạn chế trong việc khai thác là rất thiệt thòi cho người làm phim.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia đề xuất nên bỏ tiền kiểm - tức là việc kiểm duyệt cho phim chưa có kế hoạch phát hành ở Việt Nam. Sau khi tác phẩm được đưa đi tham gia liên hoan phim quốc tế sẽ tiến hành kiểm duyệt sau. Điều này nằm trong Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký năm 2005, trong đó có điều là xoá bỏ tiền kiểm.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất cần có thêm mức phân loại độ tuổi, cụ thể là tạo thêm một hoặc vài phân loại độ tuổi cao hơn trần tuổi 18 (T18) hiện có trong dự thảo. Theo ông, phân loại độ tuổi là một công cụ văn minh và đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, Việt Nam nên vận dụng để đạt hiệu quả cao nhất.
Nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho rằng, một trong những rào cản ngăn cản các dự án phim quốc tế đến Việt Nam là hoạt động kiểm định kịch bản. Trên thực tế, trong những năm qua, rất nhiều đoàn phim quốc tế khi vào khảo sát ở Việt Nam, đều lo lắng thủ tục thẩm định kịch bản, mặc dù rất muốn làm ở Việt Nam nhưng họ đều phải quyết định dời qua các nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan. Theo nhà sản xuất Trần Bích Ngọc, việc đơn giản hoá thủ tục thẩm định cấp phép, cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịnh bản sẽ là bước tháo gỡ nút thắt đầu tiên quan trọng giúp điện ảnh Việt chủ động hơn trong việc hội nhập và hấp dẫn các đoàn phim quốc tế.
Nhiều ý kiến trong giới làm phim đều cho rằng, để điện ảnh ở Việt Nam phát triển, rất cần sự hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước, chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành là rất cần thiết, bởi khi môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam phát triển.