Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết tại Chương trình kỷ niệm 10 năm nhớ Sơn Nam, tổ chức ngày 22/8.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, độc giả sẽ có dịp đọc lại những tác phẩm nổi tiếng của “Ông già Nam bộ” trên chất liệu giấy, bìa in mới như: Tập truyện “Biển cỏ miền Tây, Mùa len trâu và các truyện khác”, “Hương quê, Tình nghĩa giáo khoa thư và các truyện khác”, “Hương rừng Cà Mau và các truyện khác”, truyện dài “Bà chúa Hòn”, hồi ký “Xóm Bàu Láng”…
Đặc biệt, năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 320 năm thành lập Thành phố Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (1698 - 2018), do vậy Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu lại quyển bút ký “Giới thiệu Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm - Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long” của nhà văn Sơn Nam để bạn đọc tiếp tục tìm hiểu, tra cứu về lịch sử Sài Gòn xưa.
Cùng với đó, Nhà xuất bản Trẻ còn tổ chức 2 chương trình gồm: “Tặng học bổng Sơn Nam” và “Trao tặng tủ sách Sơn Nam”. Cụ thể, chương trình “Tặng học bổng Sơn Nam” sẽ dành 100 suất học bổng (trị giá mỗi suất 1 triệu đồng) tặng học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi tại tỉnh Kiên Giang (quê hương nhà văn Sơn Nam).
Đối với chương trình “Trao tặng tủ sách Sơn Nam”, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho rằng, có thể nhiều người chưa có dịp đọc hết di sản 20 tựa sách của nhà văn Sơn Nam. Do vậy, giai đoạn 2018 - 2019, Nhà xuất bản Trẻ sẽ trao tặng 100 bộ tủ sách của nhà văn Sơn Nam (tổng trị giá 425 triệu đồng) đến đối tượng độc giả đầu tiên là học sinh, giáo viên ở các trường trung học phổ thông thuộc 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang.
Từ chương trình này, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cũng kêu gọi các cá nhân, tập thể, tổ chức xã hội cùng liên kết với Nhà xuất bản thực hiện và trao tặng nhiều tủ sách của nhà văn Sơn Nam đến với học sinh ở vùng sâu, xa khắp mọi miền đất nước.
Ông Minh Nhựt hy vọng, thời gian tới, các trường trung học phổ thông ở khu vực phía Nam đều sở hữu ít nhất một bộ những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam trong thư viện trường, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh và giáo viên.
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, được gọi bằng nhiều tên thân mật như “Ông già Nam bộ”, “Ông già đi bộ”, “Pho từ điển sống về miền Nam” hay “Nhà Nam bộ học”. Tuổi thơ nhà văn Sơn Nam tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của nhà văn Sơn Nam sau này.
Từ những tác phẩm đầu tay là tập thơ “Lúa reo”, xuất bản 1948 đến các tác phẩm sau này là truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”, biên khảo “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”…đều thể hiện rõ cống hiến quan trọng của nhà văn Sơn Nam đối với nền văn học lẫn khoa học lịch sử Sài Gòn - Nam bộ, khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ bạn đọc yêu quý, nể phục.
Tháng 4/2003, Nhà xuất bản Trẻ đã mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam, hệ thống lại và độc quyền xuất bản trên toàn thế giới.