Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, đây là một trong ba hoạt động Bến Tre cam kết tổ chức với UNESCO về việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về quê hương đất nước, gia đình, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, nổi bật như tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều Y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các bài thơ điếu, những công trình nghiên cứu, công trình mang tên Nguyễn Đình Chiểu… đã được sưu tầm, chọn lọc trưng bày tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu; gửi trưng bày ảo đến UNESCO tại Paris.
Trưng bày "Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" gồm 4 phần: Quê hương và gia đình; cuộc đời; thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Đình Chiểu sống mãi.
Tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, du khách được tổ thuyết minh phục vụ khách tham quan hướng dẫn và thuyết trình khi tới từng khu trưng bày. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tỉnh Bến Tre triển khai ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 vào bảo tàng trưng bày, giúp du khách có thể trực tiếp tham quan tại khu vực triển lãm trên điện thoại hoặc các thiết bị thông minh.
Khách tham quan có thể tự di chuyển qua từng khu vực trưng bày và đọc được thông tin giới thiệu khi nhấp vào hình ảnh hoặc biểu tượng cần tìm kiếm. Mỗi khu vực sẽ có người thuyết minh kèm nội dung cho du khách dễ dàng nghe nhìn và hiểu sâu sắc hơn về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Đây là cơ hội để công chúng trong nước và quốc tế tiếp cận với tài liệu, hiện vật liên quan đến nhà thơ yêu nước, nhà văn hóa, nhà giáo, người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu.
Dịp này, Ban tổ chức trao Bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân tích cực hiến tặng hiện vật, tư liệu quý hiếm có giá trị về văn hóa, mỹ thuật cho Bảo tàng Bến Tre.
Nguyễn Đình Chiểu là một tượng đài, tấm gương sáng của Việt Nam được nhiều nước biết tới. Ông là hình mẫu của con người luôn vượt lên những khó khăn, nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời để phụng sự con người.
Ông sinh năm 1822, mất năm 1888, tên thường gọi là Đồ Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849 nhưng trớ trêu thay mẹ ông mất. Vì quá thương nhớ mẹ ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau thời gian đó, Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông tiếp tục dạy học, làm thầy thuốc, dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.
Ngày 23/11/2021 tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre tổ chức 3 hoạt động trọng điểm là triển lãm trưng bày thực và ảo "Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và tại Pháp; hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay"; lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre.
Tỉnh Bến Tre cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: Hội diễn "Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII"; hành trình theo bước chân cụ Đồ; giải Bến Tre Marathon quốc tế năm 2022; hội chợ Thương mại - Ẩm thực xứ Dừa năm 2022 và phá kỷ lục, xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn từ dừa; thực hiện quy trình xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới đối với quyển sách thư pháp khổ lớn "Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển" có kích thước 1,4 x 1,8m...