Tái hiện lễ hỏi chồng của dân tộc Ê đê

Ngày 28/6, trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hỏi chồng của dân tộc Ê đê đã được tái hiện tại không gian làng dân tộc Ê đê. Và lễ hỏi chồng của cô gái Ê đê - Hmai Adrong đã diễn ra với sự tham dự của “hai họ” nhà trai nhà gái cùng đông đảo du khách. 


Theo tục lệ, một cô gái Ê đê khi đã vừa ý một chàng trai nào đó, sẽ nhờ ông mối đem chiếc vòng đồng sang nhà trai để hỏi chồng. Chàng trai thấy "ưng bụng" thì sờ tay vào chiếc vòng đồng ấy, rồi làm lễ nhận vòng. Khi đó họ có quyền tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân…


Chiếc vòng tay được xem như "giấy chứng nhận tình yêu" cho đôi bạn trẻ . Ảnh: Hà Tuấn.


Để tiến hành lễ hỏi, nhà gái chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng cho ông mai mang đến nhà trai hỏi, gọi là lễ đưa vòng (Myor Kông) hay lễ hỏi chồng (Ê mul ting mô). Ông mai cùng gia đình nhà gái sang nhà trao ngỏ lời với gia đình nhà trai. 


Sau khi họp bàn tại gian bếp khách, nhà trai cử một người cao tuổi, cầm chiếc vòng đồng do ông mai nhà gái đưa sang hỏi ý kiến chàng trai. Chàng trai cầm vào chiếc vòng đồng tức là đã đồng ý nhận lời. 


Sau lễ đưa vòng, đại diện hai họ tiến hành các nghi thức của lễ trao vòng và chính thức đặt quan hệ thông gia. Lúc này, nhà gái phải mang lễ vật đến, gồm có: một ché rượu, một con gà làm lễ để nhà trai mở tiệc thết đãi ông mai và gia đình nhà gái. Tại lễ trao vòng, nhà trai thoả thuận vật thách cưới và thời gian rước lễ. 


Nghi thức lễ trao vòng. Ảnh: Hà Tuấn.


Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, hai họ thực hiện lễ thoả thuận thủ tục “gửi dâu” (K’năm). Đại diện nhà gái (Pô eemuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới theo thoả thuận giữa hai bên. Đây là thời gian thử thách lòng chung thuỷ, nết na của người phụ nữ. Lễ vật “gửi dâu” gồm có: một con gà, một nắm xôi và một ché rượu để làm lễ K’năm. Lúc này nhà trai đưa ra vật thách cưới: một con heo, 7 ché rượu, của hồi môn là 2 con trâu, 3-5 con bò, hàng chục ché rượu, voi… Sau thủ tục này, cô dâu chú rể mới trao vòng, chuẩn bị cho lễ cưới. 


Trong ngày rước rể (Tuhan), nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu, một con heo, sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. 


Thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để lấy may mắn, hạnh phúc bền lâu. Ảnh: Hà Tuấn.


Đề thực hiện lễ rước rể, nhà gái làm lễ cúng cho cha mẹ chàng rể và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, cúng cho cha một con heo; cúng cho mẹ một con trâu, 8 chiếc vòng tay tượng trưng cho sự ràng buộc gửi gắm, một chiếc bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ, một tấm mền tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình. 


Trên đường về, đoàn rước rể phía nhà gái lần lượt trao vòng đồng cho chú rể thay cho lời chúc tụng. Khi đám rước về đến cổng nhà gái, một đại diện nhà trai chặn lại, việc này thể hiện sự níu kéo, lưu luyến giữa gia đình nhà trai với chú rể. Lúc này nhà gái phải trao cho người đó một vòng đồng mới được đi tiếp. Trên đường về nhà gái, các thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để lấy may mắn, hạnh phúc bền lâu. 


Khi về tới nhà gái, đôi tân lang - tân nương vào cô dâu chú rể (lúc này đã được trang trí đẹp, có đủ đồ vật: ché, chiêng, ná, gùi, bát ăn…) chùm một tấm mền lớn chừng 1-3 phút. Sau đó gia đình đãi cơm rượu thịt, hát múa chúc mừng cho hạnh phúc đôi tân hôn. 



Phương Hà
Nhiều hoạt động nhân Ngày Gia đình tại Làng văn hóa
Nhiều hoạt động nhân Ngày Gia đình tại Làng văn hóa

Từ ngày 26-28/6/2015, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN