Bảo vệ tuổi thơ
Theo Tân Hoa Xã, tháng 4 vừa qua, Cơ quan Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Truyền hình và Phim truyện Trung Quốc (SAPPRFT) đã ban hành lệnh cấm các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em là con của người nổi tiếng tham gia. Theo SAPPRFT, lệnh cấm không chỉ tăng cường chất lượng cho các chương trình truyền hình mà còn tạo điều kiện để những đứa trẻ được sống đúng với tuổi thơ. Sau lệnh cấm của SAPPRFT, các chương trình như “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” và “Siêu nhân trở lại” đều phải ngừng phát sóng.
Các cặp bố con ngôi sao tham gia chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” của Trung Quốc. |
“Bố ơi! Mình đi đâu thế?” được đài truyền hình Hồ Nam sản xuất dựa trên chương trình ăn khách cùng tên của Hàn Quốc đã thu về lượng tiền quảng cáo “khủng” sau khi thu hút hơn 75 triệu người xem mỗi tập. Cựu vận động viên bóng rổ Yao Ming, tài tử Lâm Chí Dĩnh và “ảnh đế” Lưu Diệp đều là những ngôi sao đã xuất hiện trong chương trình này cùng quý tử và ái nữ của mình.
“Bố ơi! Mình đi đâu thế?” xoay quanh chuyến hành trình ngang dọc đất nước trải nghiệm cuộc sống tại các vùng nông thôn Trung Quốc giữa các ông bố là người nổi tiếng và con. Trong một bài bình luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo vào năm 2013, “Bố ơi mình đi đâu thế?” đã được ca ngợi là nguồn cảm hứng khiến người xem muốn dành thêm nhiều thời gian với gia đình.
Trước khi có lệnh cấm trong tháng 4, sóng truyền hình Trung Quốc có hơn 100 chương trình giải trí, trong đó có rất nhiều chương trình có trẻ em tham gia. Vào tháng 7/2015, SAPPRFT có lệnh hạn chế trẻ em tham gia các chương trình thực tế. Tháng 9/2015, một luật mới cấm lợi dụng trẻ em dưới 10 tuổi đóng quảng cáo.
Do chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” được yêu thích đến vậy nên nhiều người sử dụng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã không hài lòng với thay đổi của SAPPRFT. Trái lại, cũng có nhiều người lại ủng hộ thay đổi mới này, cho rằng nó tốt cho bản thân những đứa trẻ.
Mặt trái của sự nổi tiếng từ tấm bé
Trước đây, các ngôi sao Trung Quốc thường có xu hướng bảo vệ con trước sự soi mói của truyền thông, công chúng. Nhưng xu hướng này đã thay đổi khi các chương trình thực tế như “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” và “Siêu nhân trở lại” xuất hiện và phát triển. Qua các chương trình này, nhiều nhóc tì bỗng nổi tiếng hơn cả cha mình chỉ sau một đêm. Chúng nhanh chóng được hàng loạt công ty mời mọc làm đại diện cho nhãn hàng. Điều này khiến nhiều người lại lo ngại sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý và sức khỏe các bé.
Ông Ma Xiaoyan thuộc Trường Đại học Sơn Đông phân tích: Chương trình thực tế thỏa mãn trí tò mò của khán giả về cuộc sống của người nổi tiếng nhưng nó là con dao hai lưỡi đối với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ em. Được lên truyền hình với máy quay liên tục theo sát và người hâm mộ vây quanh thường xuyên có thể ảnh hưởng tới hành vi của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ khi tham gia chương trình thực tế đều được người hâm mộ gắn biệt danh như tổng tài, công chúa... Điều này khiến nhiều người băn khoăn rằng liệu việc đánh giá những đứa trẻ trong khi chúng đang trưởng thành và chưa định hình tính cách thực sự có đúng đắn hay không. Bên cạnh đó, nhà tâm lý học Hou Lixia nhận định rằng trở thành ngôi sao nhí có thể là điều tiêu cực, đặc biệt là khi việc theo đuổi ánh hào quang có sự thúc giục, tác động của cha mẹ hơn là lựa chọn của chính những đứa trẻ.